Hội nghị đặc biệt của EU về năng lượng
Theo Reuters và TTXVN, Hội nghị cấp cao đặc biệt của Hội đồng châu Âu được tổ chức vào ngày 30 và 31/5 nhằm đánh giá, thảo luận về các vấn đề mà Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt, gồm vấn đề năng lượng, tình hình khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác quốc phòng và an ninh lương thực.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (S.Mi-sen) nêu rõ, hội nghị thảo luận về cách thức tốt nhất để EU hỗ trợ tái thiết Ukraine. Chương trình “Cổng toàn cầu” của EU cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Theo đó, EU sẽ giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh, thông qua việc phục hồi cơ sở hạ tầng và y tế.
Đối mặt với chi phí năng lượng cao và sự gián đoạn thị trường năng lượng thế giới, các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét khả năng thông qua kế hoạch REPowerEU do Ủy ban châu Âu (EC) trình bày trước đó. Kế hoạch này nhằm đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Kế hoạch REPowerEU sẽ cho phép các nước thành viên EU giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung thảo luận về những cách thức cụ thể để giúp Ukraine xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của mình, sử dụng cơ sở hạ tầng của EU, qua đó giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Lãnh đạo các quốc gia thành viên EU cũng tranh luận về các khoản đầu tư cần thiết cho quốc phòng để củng cố nền tảng công nghiệp và công nghệ của quốc phòng châu Âu.
Trước thềm hội nghị cấp cao đặc biệt này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (R.Ha-bếch) bày tỏ lo ngại rằng sự đoàn kết của EU đang bắt đầu rạn nứt. Trong nhiều tuần qua, đã có những bất đồng giữa các nước EU về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Hungary cho biết chỉ chấp thuận lệnh cấm vận nếu nhận được hàng tỷ euro viện trợ của EU hoặc có các quy định đặc biệt.
Ngày 29/5, các quan chức EU đã thảo luận về một đề xuất mang tính thỏa hiệp để có thể hướng tới một lệnh cấm vận vận chuyển dầu mỏ của Nga bằng đường biển nhưng vẫn cho phép vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba khổng lồ. Tuy nhiên, Hy Lạp, Síp và Malta lo ngại các quy định mới này đe dọa sự tồn tại của các công ty vận tải biển.
EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay. Đến nay, EU đã áp 5 gói trừng phạt chống Nga và đang thúc đẩy thông qua gói trừng phạt thứ 6 bao gồm nội dung chi tiết về lệnh cấm vận nhiên liệu Nga, đặc biệt là dầu mỏ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/hoi-nghi-dac-biet-cua-eu-ve-nang-luong-699391/