Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Sáng 4/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hình thức trực tuyến thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình 2 phương án để xử lý vấn đề này. Trong đó, phương án 1 (theo đề xuất của Chính phủ trình) sẽ chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
Phương án 2, vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi năm 2017 và đang được thực hiện thuận lợi.
Ông Phan Xuân Dũng nêu rõ, Phương án 1 sẽ giải quyết được 4 vấn đề. Một là, các loại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hoặc giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên báo cáo Đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Hai là, nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau. Ba là, việc phân cấp cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Bốn là, công trình thủy lợi là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước; việc quy định nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, khi xảy ra ô nhiễm thì khó phân định rạch ròi trách nhiệm.
Với phương án 2, việc bảo đảm chất lượng nước cấp là vấn đề quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, đây là một nội dung mới của Luật Thủy lợi. Cơ quan quản lý Nhà nước về công trình thủy lợi sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Ngoài ra, bảo vệ chất lượng nước không chỉ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho dịch vụ, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Việc cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Pháp lệnh Khai thác bảo vệ công trình thủy lợi năm 1994 và năm 2001, Luật Tài nguyên nước năm 1998 và do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND cấp tỉnh cấp phép. Vấn đề cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 142/BC-UBTVQH14 ngày 17/6/2017 trong việc “giải trình tiếp thu Dự án Luật Thủy lợi trình Quốc hội xem xét thông qua”. Trước đó, nội dung này Bộ NN&PTNT cũng báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ theo Công văn số 4505/VPCP–PL ngày 4/5/2017.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với việc tích hợp giấy phép môi trường; cho rằng, việc tích hợp giấy phép môi trường là cần thiết và khả thi bởi 3 loại giấy phép gồm giấy phép xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải nguồn nước theo Luật Tài nguyên nước và giấy phép nước thải vào công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi đều được cấp dựa trên Đánh giá tác động môi trường.
Nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép về bản chất đều giống nhau nhưng chịu sự quản lý của 2 thủ tục hành chính khác nhau. Thực tế cho thấy, nhiều giấy phép sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì khi đã cấp giấy phép đồng nghĩa với việc sẽ có kiểm tra, thanh tra từ nhiều ngành dù nội dung vẫn tương đồng.
Thêm vào đó, việc cấp giấy phép xả nước thải của công trình thủy lợi theo quy định của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện nay đang dựa trên phân cấp quản lý công trình mà không theo quy mô xả thải và thẩm quyền cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi dẫn tới không tương thích với thẩm quyền quản lý hồ sơ về môi trường như những cơ sở có quy mô không lớn, chỉ thuộc quyền quản lý hồ sơ về môi trường cấp huyện nhưng lại phải xin cấp phép ở cấp tỉnh hoặc Bộ. Công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận mạng lưới tài nguyên nước cũng như lưu vực sông hồ nên khi xả nước thải vào công trình thủy lợi cũng là xả nước thải ra môi trường.
Các nguồn nước xả vào công trình thủy lợi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các nguồn xả thải nên việc phân mảnh quản lý như hiện nay là không phù hợp với cách tiếp cận quản lý tổng hợp môi trường nước mà đa số các quốc gia đang áp dụng.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, cần tích hợp về 1 giấy phép môi trường bởi nếu không sẽ phá vỡ 2 nguyên tắc. Một là, quản lý tổng hợp lưu vực sông. hai là, một việc phải giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm, để nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm sẽ có xung đột và không đạt được mục tiêu quản lý.
Điều hành về nội dung này của Hội nghị, phát biểu kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận đều được ghi nhận và ngay sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét và cho ý kiến lần thứ 2 tại Phiên họp thứ 49 tới trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới đây.