Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến với 8 dự án Luật

Trong các ngày từ 28 đến 30/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV, nhằm thảo luận cho ý kiến về một số dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, Hội nghị thảo luận cho ý kiến về 8 dự án Luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là hội nghị xem xét nhiều dự án Luật nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Những dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Sau kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia cơ quan và tổ chức có liên quan, khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật. Đến nay, các dự án Luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Gợi mở và nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham gia hội nghị tập trung rà soát và cho ý kiến đối với một số vấn đề quan trọng.

Một là, các dự án Luật đã quán triệt thể chế hóa đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng, những vấn đề cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan.

Hai là, xem xét việc thể hiện của các dự thảo Luật đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu đề ra khi xây dựng các dự án Luật.

Ba là, xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhất là các dự án có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các dự án Luật đặc biệt quan trọng gồm dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu…

Bốn là, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề quan trọng đối với từng dự án Luật, những vấn đề về kỹ thuật lập pháp.

Năm là, đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với các nội dung mà còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp bởi nếu những quy định này không rõ ràng thì sẽ vẫn còn ách tắc, bất cập hay điều khoản áp dụng nếu quy định không khéo thì sẽ có thể sai lệch trong quá trình thực hiện…

Chủ tịch Vương Đình Huệ đặc biệt đề nghị các đại biểu phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng trong văn kiện đã nêu là vấn đề nghiêm cấm, chống được việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật…

Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng: Với bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, các chuyên gia, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến sâu sắc, tâm huyết về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị thảo luận các dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi)

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-lan-thu-4-cho-y-kien-voi-8-du-an-luat-359897.html