Hội nghị đánh giá công tác phát triển chăn nuôi, thuốc thú y và phòng, chống bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La
Ngày 18/9, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác phát triển chăn nuôi, thuốc thú y và phòng, chống bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La. Dự Hội nghị có đồng chí Nhâm Thị Phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố; đại diện các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi và các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của tỉnh Sơn La đạt gần 500.000 con (trong đó có trên 26.000 con bò sữa, gần 200.000 con dê, gần 700.000 con lợn, trên 6 triệu con gia cầm). Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, xuất ra ngoài tỉnh và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đã có những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi như: Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy; Doanh nghiệp tư nhân thương mại dịch vụ Lộc Phát BLT và một số HTX chăn nuôi gia công cho Công ty C.P Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức đối thoại, trao đổi ý kiến đưa ra những giải pháp đột phá giúp lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lò Minh Hùng yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế về khả năng sản xuất của từng đối tượng vật nuôi, phù hợp với các vùng kinh tế của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô phù hợp với từng địa phương. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, xây dựng cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường quản lý giống vật nuôi, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường.