Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả mô hình sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm

Sáng nay 29/8, tại huyện Vĩnh Linh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng tổ chức nghiệm thu và hội nghị đầu bờ để đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm, vụ hè thu 2023. Đây cũng là lần đầu tiên công cụ sạ cụm được ứng dụng vào sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác mới cho người dân sản xuất.

Mô hình sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ cụm vụ hè thu 2023 - Ảnh: T.P

Mô hình sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ cụm vụ hè thu 2023 - Ảnh: T.P

Mô hình có sự tham gia của 9 hộ gia đình, triển khai trên 2 ha ruộng thử nghiệm của Hợp tác xã Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh với giống lúa Bắc Thơm 7. Máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ bằng hạt giống, quy trình hoạt động, cách thức vận hành của máy sạ lúa theo cụm đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân.

Với năng suất làm việc khá cao, trong điều kiện bình thường máy có thể sạ từ 6 - 8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của máy cấy lúa hiện nay, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ. Qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm giúp nông dân giảm được một lượng giống lớn, từ 60 - 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống nông dân sử dụng hiện nay phổ biến là 100 - 120 kg/ha thậm chí 130 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ sử dụng 50 - 60 kg/ha.

Quan trọng hơn, việc giảm giống đã kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Đặc biệt là giảm được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trổ - chín.

Theo hoạch toán ban đầu cho thấy, lãi thuần khi sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ cụm đạt trên 29 triệu đồng/ha, trong khi đó, lãi thuần khi sản xuất lúa bằng công cụ sạ hàng, sạ lan chỉ đạt lần lượt trên 27 triệu đồng/ha và 22 triệu đồng/ha. Dễ dàng nhận thấy năng suất của cây lúa sạ cụm và sạ hàng đều có năng suất như nhau nhưng do chi phí của sạ cụm thấp hơn nên cho lợi nhuận cao hơn. Đồng thời năm nay, giá lúa bán tại ruộng khá cao so với mọi năm nên lợi nhuận theo đó tăng thêm rất nhiều.

Theo đánh giá của các hộ dân tham gia, việc sử dụng công cụ sạ cụm giúp giảm đáng kể lượng giống sử dụng. Công suất làm việc của thiết bị tối thiểu 3 – 4 ha/ngày (với những mảnh ruộng nhỏ) và từ 6 – 7 ha/ngày (nếu đất liền thửa); phù hợp cho việc gieo cấy trong vụ hè thu. Nhờ sạ thưa, áp lực sâu bệnh cũng được giảm đáng kể, ruộng lúa thẳng hàng, thông thoáng, tiếp nhận đầy đủ ánh sáng, cây đẻ nhánh tốt.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết, sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ cụm mang lại hiệu quả vượt trội cho người trồng lúa về năng suất và chất lượng hạt lúa. Tin tưởng trong thời gian tới, máy sạ lúa theo cụm sẽ được bà con nông dân sử dụng rộng rãi, góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/hoi-nghi-dau-bo-danh-gia-ket-qua-mo-hinh-san-xuat-lua-su-dung-may-sa-cum/179403.htm