'Hội nghị Diên Hồng' của kiều bào

Tiếp nối thành công của ba lần tổ chức trước đó, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư cùng Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội, từ ngày 21-24/8.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì buổi gặp gỡ báo chí, ngày 3/6. (Ảnh: Tuấn Việt)

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì buổi gặp gỡ báo chí, ngày 3/6. (Ảnh: Tuấn Việt)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng chia sẻ nhiều kỳ vọng vào Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư được tổ chức vào tháng Tám tới trong năm kỷ niệm 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 3/6, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36-NQ/TW vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác NVNONN, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với NVNONN.

Bước ngoặt lớn của công tác kiều bào

Nghị quyết số 36-NQ/TW được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là NVNONN là một bộ phận không tách rời, nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Theo Thứ trưởng, trước hết, Nghị quyết 36 giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với NVNONN từ cả hai chiều. Trong nước, công tác NVNONN thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương.

Về phía kiều bào, Nghị quyết 36 được đông đảo kiều bào đón nhận, ủng hộ, hưởng ứng thực hiện. Các hội đoàn NVNONN thực sự đóng vai trò nòng cốt trong quy tụ, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực duy trì tiếng Việt, bản sắc văn hóa, hướng về quê hương, đất nước.

Đặc biệt, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về mặt lãnh đạo và chỉ đạo, Bộ Ngoại giao phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết ba năm, sáu năm, tổng kết 10 năm Nghị quyết 36, trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45 và Kết luận 12.

Về mặt pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng NVNONN như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh theo hướng các quyền của bà con kiều bào ngày càng tiệm cận với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh, xây dựng đất nước trong tình hình mới…

Bên cạnh đó, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đạt những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức (như Xuân quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại Hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào…) thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào…

Mặt khác, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại ngày càng được chú trọng. Tại những địa bàn cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, hay xảy ra xung đột, thiên tai, Đảng, Nhà nước có chỉ đạo Bộ Ngoại giao triển khai phối hợp với các cơ quan liên quan, các hội đoàn NVNONN thường xuyên có biện pháp kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng.

Đáng chú ý, công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân, thành lập các cơ chế để NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học.

Thành tựu nổi bật khác là công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học, cử đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào…

Để triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào (ngày 8/9), Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan đại diện tổ chức hoạt động tìm kiếm sứ giả tiếng Việt, hỗ trợ hội đoàn tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em kiều bào, động viên những người có kinh nghiệm đứng lớp giảng bài.

Cuối cùng, công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức. Đa số các cơ quan thông tấn, báo chí lớn đều có chương trình, chuyên trang, chuyên mục dành cho NVNONN với nội dung ngày càng phong phú, với nhiều hình thức, nhiều loại ngôn ngữ, chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số. Ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng năm 2024. (Ảnh: Tuấn Việt)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng đoàn kiều bào về thăm Đền Hùng năm 2024. (Ảnh: Tuấn Việt)

Nguồn lực còn nhiều dư địa để phát huy

Với những thành tựu của 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin rằng Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư sẽ giống như một “Hội nghị Diên Hồng” của kiều bào.

Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị được tổ chức với nhiều mục đích: tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN; đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 phục vụ việc tổng kết Nghị quyết cũng như xây dựng đường lối của Đảng về NVNONN cho Đại hội Đảng lần thứ XIV; tăng cường thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NVNONN; tạo diễn đàn để các cơ quan trong nước nắm được tình hình, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của NVNONN, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào.

Đặc biệt, điểm nhấn của Hội nghị năm nay chính là Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Với chủ đề “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước”, diễn đàn tập trung trao đổi xu thế phát triển của thế giới và khu vực thời gian tới (chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…), thách thức và cơ hội đối với Việt Nam; phát huy nguồn lực của NVNONN trong công cuộc phát triển đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia…

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng, nguồn lực trí thức kiều bào vô cùng to lớn và còn dư địa để phát huy hơn nữa. Với lực lượng trí thức chiếm khoảng 10% tổng số cộng đồng NVNONN và đại đa số đang làm việc ở các nước tiên tiến và các nước phát triển, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp hơn nữa để có thể thu hút, “khơi thông” nguồn lực này phục vụ phát triển đất nước.

Từng được tổ chức thành công vào các năm 2009, 2012 và 2016 với sự tham dự của các kiều bào tiêu biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, Hội nghị NVNONN toàn thế giới đã trở thành diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và phát triển đất nước và các nội dung về cộng đồng NVNONN.

Thứ trưởng nhấn mạnh, “việc tổ chức Hội nghị NVNONN toàn thế giới càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là năm 2024 là năm bản lề trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như trong bối cảnh cộng đồng NVNONN mong muốn góp phần cùng nhân dân cả nước hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Hội nghị NVNONN lần thứ tư do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức từ ngày 21-24/8 tại Hà Nội. Dự kiến, Hội nghị cùng Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài sẽ thu hút khoảng 600 đại biểu; trong đó có khoảng 400 đại biểu kiều bào, đại diện lãnh đạo các hội đoàn, doanh nhân, trí thức, phóng viên, truyền thông kiều bào, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở một số địa bàn có đông kiều bào. Đại biểu trong nước là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố…

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-dien-hong-cua-kieu-bao-273997.html