Hội nghị Diên Hồng và bài học đoàn kết, đồng thuận

Diên Hồng - như cái tên của nó phải trở thành nơi bàn và quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, đến sự mất còn của đất nước, dân tộc.

Thi nhân nổi tiếng đời Trần là Trương Hán Siêu đã tự hào cảm tác trong Bạch Đằng Giang phú: “Anh minh hai vị thánh quân/Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh./ Giặc tan muôn thuở thanh bình/Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”. Hai bậc thánh quân mà Trương Hán Siêu nhắc ở đây chính là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Đây là những vị hoàng đế anh hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Dưới thời gian trị vì của các ngài, đã có một sự kiện trọng đại diễn ra tròn 740 năm trước (năm 1284): Tổ chức Hội nghị Diên Hồng để hỏi các bô lão trong nước về việc nên hòa hay đánh khi quân Nguyên xâm lược Việt Nam.

 Tranh vẽ cảnh các bô lão trong Hội nghị Diên Hồng.

Tranh vẽ cảnh các bô lão trong Hội nghị Diên Hồng.

1. Năm 1279, Tể tướng cuối cùng của triều Nam Tống ôm vua Tống nhảy xuống biển tự tử, kết thúc triều đại nhà Nam Tống, triều Nguyên được thành lập. Để chuẩn bị cho việc xâm lược Đại Việt, nhà Nguyên đã huy động một lực lượng đông đảo lên tới 50 vạn quân, đó là chưa kể hàng chục vạn quân của Toa Đô ở phía Nam đánh lên.

Trong bối cảnh vô cùng khẩn trương của đất nước và trước họa ngoại xâm lại bị rúng động bởi thất bại của nhà Nam Tống, năm 1282, nhà Trần đã tổ chức hội nghị Bình Than quy tụ các tướng sỹ, công hầu bàn kế đánh giặc giữ nước.

Cuối năm 1284, Thánh Tông và Nhân Tông đã cho mời các bô lão trong cả nước về kinh đô tham dự hội nghị Diên Hồng để ban yến và hỏi về việc nên đánh hay nên hòa, thực chất là đánh hay hàng.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Đây có thể được xem là hội nghị dân chủ đầu tiên ở Việt Nam.

Thực ra hai vua lúc đó không muốn hàng, bởi nếu muốn hàng các ngài chỉ cần đầu hàng, hà cớ gì phải tổ chức, họp hành hỏi han. Về việc này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Giặc Hồ (tức chỉ giặc phương Bắc - NV) vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy".

2. Việc nhà Trần mở Hội nghị Diên Hồng không chỉ là cuộc “trưng cầu dân ý” mà nó còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Trước hết hội nghị này sẽ giúp đo lòng dân với vận nước. Việc mở Hội nghị Diên Hồng để lắng nghe ý kiến của các bô lão không chỉ thể hiện tinh thần dân chủ mà còn thể hiện tư tưởng trọng dân của triều Trần khi ấy. Người dân vốn có địa vị thấp kém trong xã hội bỗng nhiên được mời vào nơi trang trọng nhất, được nhà vua hỏi ý kiến về việc mất còn của đất nước ai lại không thấy mình quan trọng và phải có trách nhiệm.

Việc tổ chức Hội nghị Diên Hồng cũng cho thấy các hoạt động của chính quyền Trung ương nhà Trần khi ấy đã hướng đến gần dân, minh bạch trong các quyết định. Khi các bô lão thay mặt người dân cả nước đồng lòng hô đánh ở Hội nghị Diên Hồng, chẳng may sau đó nếu cuộc chiến có gặp khó khăn người dân cũng thấy phần trách nhiệm của mình trong đó mà không đổ lỗi cho triều đình.

Lịch sử không ghi có bao nhiêu bô lão tham dự Hội nghị Diên Hồng, song chắc chắn con số cũng sẽ không nhỏ. Giữa lúc giặc Nguyên mạnh như vậy chắc chắn sẽ có những người chỉ mới nghe thấy thôi đã khiếp sợ. Vậy nên giữa một vương triều với những người anh hùng như triều Trần thuở ấy vẫn có nhiều kẻ, trong đó có những kẻ trong hoàng tộc đã đớn hèn đến mức chạy theo giặc như Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc (con trai Trần Thái Tông), Trần Kiện (con Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang), Trần Văn Lộng (cháu Thái sư Trần Thủ Độ). Vậy thì, trong số các bô lão kia cũng có thể có người muốn… hòa để yên thân.

Giữa một rừng cánh tay giơ lên giữa hội nghị với lời hô quyết đánh thì dù ai đó có tư tưởng muốn hàng cũng được gia thêm phần dũng khí và ai dám giơ tay xin hàng giữa một hội nghị mà lòng người hừng hừng khí thế như Diên Hồng. Giơ tay xin hàng rồi sao? Mặt mũi nào nhìn người xung quanh, mặt mũi nào nhìn bà con làng xóm khi trở về?

Hội nghị Diên Hồng lại là hội nghị của các bô lão bởi trong truyền thống văn hóa Việt Nam trọng người có tuổi. Người già ở làng xã Việt Nam được xem là “cây cao, bóng cả”, thành ngữ Việt Nam có câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Khi các bô lão đã thống nhất thì chính họ lại trở về làng xã để truyền đạt lại chủ trương của triều đình cũng như đứng ra vận động để người dân ủng hộ.

Nhà Trần đã tạo nên hào khí được lịch sử xưng tụng là “hào khí Đông A” bởi đã biết tập hợp sức mạnh của lòng dân, tạo ra sự đồng lòng nhất trí giữa vua tôi, trên dưới. Còn nhớ, vị vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Thái Tông vì xung đột với Thái sư Trần Thủ Độ đã bỏ triều đình lên Yên Tử đi tu, thế nhưng khi nghe Quốc sư chùa Phù Vân Yên Tử thống thiết nói phàm người làm vua phải lấy suy nghĩ của thiên hạ làm suy nghĩ của mình nên nhà vua đã xuống núi trở về triều đình.

Bài học đoàn kết, đồng thuận của dân sau này đã bị nhà Hồ xem thường nên dẫn tới mất nước nhanh chóng. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã nói trước triều đình: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.

Với Hội nghị Diên Hồng, một cuộc trưng cầu ý dân lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã được tổ chức. Chính vì sự đồng thuận của các bô lão, sự ủng hộ của Nhân dân mà nhà Trần sau đó đã liên tiếp lãnh đạo Nhân dân giành chiến thắng hai lần trước quân Nguyên xâm lược dù quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần.

Tổng kết ba lần chiến thắng giặc Mông - Nguyên xâm lược, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã khái quát chiến thắng của dân tộc là do “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”. Vua tôi đồng lòng là Hội nghị Bình Than, anh em hòa mục là câu chuyện gạt bỏ hiềm khích giữa Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải, còn cả nước giúp sức chính là Hội nghị Diên Hồng!

 Phiên họp Diên Hồng tại tòa nhà Quốc hội. Ảnh: QH

Phiên họp Diên Hồng tại tòa nhà Quốc hội. Ảnh: QH

3. Nhà Trần không chỉ có Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng, nhà Trần còn có những ứng xử chính trị xứng đáng là bài học cho muôn đời. Đó là một Phạm Cự Đà vì không được chia quả muỗm (một loại xoài nhỏ - NV) nên nuôi lòng oán hận. Khi quân Mông Cổ vào xâm lược Đại Việt lần đầu năm 1258, thuyền Thái tử chạy trốn sự truy đuổi của giặc, lính hầu cận hỏi Phạm Cự Đà cũng đang giong thuyền chạy trốn rằng quân giặc ở đâu, Cự Đà đã trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy”.

Khi chiến thắng giặc, triều đình hạch tội Cự Đà và đề nghị vua Trần Thái Tông xử tội song nhà vua đã tha cho Cự Đà để lấy công chuộc tội và nhà vua tự nhận rằng bản thân mình cũng có phần lỗi. Cũng vậy, khi quân Nguyên vào cướp nước ta, vì quá sợ hãi nên nhiều người đã xin hàng quân giặc. Sau chiến thắng, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng Thánh Tông đã “sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”…

Cái tên Diên Hồng hiện nay được đặt tên cho phòng họp chính của toàn thể đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp thường niên. Kế tục trung thành và xứng đáng giá trị cao cả của tiền nhân, Quốc hội những năm qua đã bàn và quyết những vấn đề trọng đại của đất nước. Thế nhưng, Nhân dân cần hơn những đại biểu có dũng khí để nói lên ước muốn, khát vọng của mình.

Diên Hồng - như cái tên gắn với lịch sử oai hùng của nó phải trở thành nơi bàn và quyết những vấn đề trọng đại của đất nước, những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, đến sự mất còn của đất nước, dân tộc. Các cuộc họp ở Diên Hồng không chỉ có những tiếng cười mà còn cần cả những giọt nước mắt, những giọt nước mắt sẻ chia với những khổ đau, mất mát của đồng bào…

Sách Đại học có câu: “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” (Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào, đáng sợ lắm đấy). Người xưa thường treo ba chữ KỲ NGHIÊM HỒ để tự nhắc nhở phải luôn luôn cẩn trọng từ lời nói đến việc làm, biết sợ dư luận, biết xấu hổ biết nể trọng xung quanh bởi mỗi lời nói, việc làm là đang có cả bao nhiêu con mắt nhìn vào, bao nhiêu cánh tay chỉ vào, tức đang theo dõi nhất cử nhất động.

740 năm đã qua, hậu thế hôm nay vẫn nhớ và tỏ lòng kính trọng, khâm phục tiền nhân bởi tinh thần dân chủ của Hội nghị Diên Hồng. Những gì ở Hội nghị Diên Hồng hôm nay chắc chắn sẽ được lịch sử ghi chép cẩn trọng, tỉ mỉ để thế hệ sau lại đánh giá, bình xét như hôm nay chúng ta đang đánh giá, bình xét về Hội nghị Diên Hồng 740 năm trước.

TS VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-nghi-dien-hong-va-bai-hoc-doan-ket-dong-thuan-post775608.html