'Hội nghị Diên Hồng về văn hóa'

Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'. Hai năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta chỉ đạo, đã diễn ra từ ngày 16 - 20/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ những 'hội nghị Diên hồng về văn hóa' này, đã mở ra thời kỳ mà lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng hăng hái đi theo ánh sáng soi đường của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây 'nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới'.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây dựng một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”.

Với kim chỉ nam hành động sáng suốt, rõ ràng được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ trong Hội nghị này, phong trào văn hóa được thổi một làn gió mới. Từ đó đã tập hợp được lực lượng, trí tuệ của đội ngũ trí thức, văn hóa… tham gia sáng tác, xây đắp nền văn hóa kháng chiến kiến quốc toàn dân tiêu biểu.

Cũng tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã lần đầu tiên đọc bản Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam - văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hóa văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Báo cáo này được đánh giá là một tác phẩm lý luận về đường lối, phương châm văn hóa của Đảng, đặt nền móng cho mặt trận thống nhất văn hóa Việt Nam.

Trong cuốn Biên niên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi: “Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đánh dấu một bước tiến quan trọng của phong trào văn hóa nước ta”. Hội nghị được coi là bước ngoặt lớn trong đường lối lãnh đạo văn hóa của Đảng ta trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới mang tính chất dân chủ nhân dân, là bản lề mở ra một giai đoạn mới trong văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Các nghệ sĩ lớn đã sinh sống và tham gia cuộc sống cùng nhân dân tại các xã như Gia Điền, Xuân Áng, Vân Cù, Đàn Trầm, Hương Xạ, Yên Kỳ, Ao Châu..., tham gia tuyên truyền sáng tác, phản ánh cuộc sống nhân dân và cuộc kháng chiến. Tác phẩm “Bầm ơi”, “ Bà Bủ” của Tố Hữu, “Trường ca Sông lô” của Văn Cao đã ra đời. Ban kịch chuyên nghiệp của Thế Lữ tổ chức nhiều buổi biểu diễn tuyên truyền trong nhân dân. Tạp chí Văn nghệ số đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam được xuất bản tại Phú Thọ, trong hoàn cảnh đó Phú Thọ trở thành thủ đô của văn nghệ kháng chiến.

Các yếu tố trên đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng nền văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân ở tỉnh ta. Từ “thủ đô văn nghệ kháng chiến”, vô vàn các tác phẩm văn nghệ của văn nghệ sĩ kháng chiến đã tuyên truyền cổ vũ, động viên lực lượng kháng chiến công - nông - binh và trở thành một bộ phận của đời sống kháng chiến; góp phần đi tới thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Có thể nói, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 là bản lề mở ra sự phát triển mới cho nền văn hóa của đất nước. Phú Thọ tự hào là “thủ đô văn nghệ kháng chiến” trong những năm đầu tiên xây dựng nền văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân.

Nay Phú Thọ tiếp tục phát triển văn hóa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; theo sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI (trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ngày 24/11/2021).

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202202/hoi-nghi-dien-hong-ve-van-hoa-182613