Hội nghị G7: Hàn Quốc đồng ý dự, Nga hững hờ
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 1.6 nói với người đồng cấp Mỹ Donald Trump rằng ông chấp nhận lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7).
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon hoan nghênh việc cho quốc gia ngoài nhóm tham dự – điều thể hiện sự tiến bộ khi thế giới đang đối mặt với đại dịch.
“Một cuộc họp thượng đỉnh vào thời điểm thích hợp sẽ báo hiệu thế giới đang quay lại trạng thái bình thường”, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc dẫn lời ông Moon.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết: “Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ đối thoại, nhưng trong trường hợp này chúng tôi cần nhận thêm thông tin. Chúng tôi hiện chẳng biết gì về đề xuất mời tham dự, cũng chưa chắc đây có phải tuyên bố chính thức không”. Chính quyền Moscow yêu cầu được biết về hình thức họp lẫn chương trình nghị sự.
Tổng thống Trump ngày 30.5 bất ngờ thông báo dời hội nghị thượng đỉnh G7 vốn chuẩn bị diễn ra trong tháng 6. Ông dự định tổ chức vào khoảng tháng 9 lúc Liên Hợp Quốc tiến hành họp thường niên hoặc tháng 11 sau bầu cử Mỹ.
Ngoài chuyện hoãn hội nghị, nhà lãnh đạo Washington còn tỏ ý mời Nga, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ tham dự. Ông đánh giá nhóm G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada, Nhật Bản) đã quá lỗi thời, không phù hợp cho tình hình thế giới hiện tại.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Alyssa Farah sau đó giải thích Tổng thống Trump muốn mời vài đồng minh truyền thống lẫn quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dự họp để thảo luận về Trung Quốc - nước đang có mối quan hệ rất căng thẳng với Mỹ.
Hàn Quốc và Úc là đồng minh truyền thống của Mỹ. Chính quyền Canberra thời gian qua kiên quyết thúc đẩy tiến hành điều tra độc lập về COVID-19 đồng thời cùng Washington bày tỏ quan ngại sâu sắc trước kế hoạch áp đặt luật an ninh với Hồng Kông của chính quyền Bắc Kinh.
Ấn Độ là quốc gia quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đang triển khai. Còn Nga được Tổng thống Trump xem là quốc gia có ảnh hưởng chiến lược quy mô toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, Tổng thống Trump muốn lập một nhóm mới nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Cẩm Bình (theo Straits Times)