Hội nghị góp ý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Sáng 4.5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bà Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong 2 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến.
Theo luật sư Phan Văn Vĩnh, cần có những quy định minh bạch, rạch ròi về “hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng”. Luật sư Vĩnh cho rằng hoạt động kinh doanh bảo hiểm “bỏ vòi” qua ngân hàng là có thật.
“Cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng có kiểm tra, giám sát, nhưng thật sự có hay không và ai sẽ kiểm tra, giám sát chính cái hoạt động kiểm tra, giám sát đó... thì vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế, việc vay tiền - mua bảo hiểm chỉ kiểm tra qua loa, cốt bán cho được bảo hiểm, sau đó người mua bảo hiểm phát hiện có bệnh - kết luận “gian dối bảo hiểm, không khai báo” và không thanh toán chế độ…).
Còn hình thức mua trả góp cũng phải mua bảo hiểm; lãi suất tính vừa gần mức “cho vay nặng lãi” theo Bộ luật Hình sự, nhưng nếu cộng luôn lãi suất phải mua bảo hiểm… sẽ vượt quá giới hạn “cho vay nặng lãi”, mà đơn vị bán BH này là sân sau (hoặc thậm chí là công ty con của tổ chức tài chính bán trả góp…), nên tách bạch, nếu kinh doanh bán trả góp, tổ chứ tín dụng cho vay ra”- luật sư Phan Văn Vĩnh nói.
Có đại biểu cho rằng phía Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp chặt chẽ đối với việc vay từ các ứng dụng của công ty tài chính. “Hiện nay, nhiều công ty tài chính liên tục mời chào vay tiền thủ tục đơn giản, người dân vô tình tạo app vay, và vì lý do nào đó chưa trả được nợ với số tiền rất nhỏ, nhưng thành nợ xấu trên hệ thống ngân hàng Nhà nước, khi họ muốn thực hiện vay khoản vay khác không được, do có vết tích. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm”- luật sư Đinh Thái Hoàng cho biết.
Ông Võ Quốc Khánh- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị một số vấn đề, cụ thể là tình trạng mất tiền khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến; cũng như cử tri bức xúc việc vay vốn phải mua bảo hiểm và người dân mất niềm tin vào các ngân hàng vì đã từng xảy ra những vụ việc gửi tiền, vàng vào ngân hàng nhưng sau đó lại bị chính người của ngân hàng chiếm đoạt.