Hội nghị góp ý vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Sáng 6/5, tại Khách sạn Bái Đính (chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị góp ý vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Chủ trì hội nghị có đồng chí: Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Cùng dự có đại diện một số ban, ngành của Trung ương. Về phía tỉnh, dự hội nghị có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng một số sở, ban, ngành liên quan.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Luật được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.
Đến nay, vấn đề cấp thiết đặt ra cần sửa đổi lại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; bảo đảm phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật hiện hành, xây dựng mới 17 điều, bỏ 03 điều. So với Luật hiện hành đã tăng 16 điều với 3 nhóm chính sách lớn. Đó là: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Đại biểu tham luận tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết. Góp ý vào Luật sửa đổi, các đại biểu nêu ý kiến tập trung vào 5 nội dung chính: Quy định về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm để xây dựng các quy định, bảo vệ người bị bạo lực; Thảo luận, đề xuất, bổ sung về các hành vi bạo lực gia đình; Quy định về hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình, trong đó sửa Dự thảo Luật theo nguyên tắc hòa giải trước - trong - sau khi bạo lực xảy ra. Việc trao quyền cho người bị bạo lực được lựa chọn chỗ ở, trong thời gian cấm tiếp xúc. Đặc biệt là đề xuất, bổ sung các chế tài xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Ngoài ra, các đại biểu cũng phát biểu tham luận về một số nội dung như: Kinh nghiệm và kỹ năng xử lý bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em; Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong việc trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; Phát huy vai trò của các cấp Hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Thực trạng việc tư vấn, hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở và giải pháp.
Những ý kiến góp ý, tham luận của đại biểu đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu để điều chỉnh Luật trước khi ban hành.