Hội nghị hòa bình New York 2025: Thước đo trách nhiệm toàn cầu
Hội nghị quốc tế nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine do Pháp và Saudi Arabia đồng chủ trì, dự kiến diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York trong hai ngày 28-29/7. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông đình trệ bấy lâu.
Tuy nhiên, kỳ vọng lớn không đồng nghĩa với việc hội nghị sẽ thành công. Ngay từ khi khởi động, sáng kiến đã bị phủ bóng hoài nghi về mức độ cam kết của các bên, tính khả thi của các thỏa thuận đưa ra, cũng như tầm mức đại diện của những người tham dự.
Ban đầu dự kiến tổ chức vào tháng 6 nhưng do biến động an ninh khu vực, hội nghị đã phải lùi lại đến cuối tháng 7 và thu hẹp quy mô xuống cấp bộ trưởng ngoại giao thay vì nguyên thủ quốc gia. Điều này khiến không ít ý kiến lo ngại sự kiện chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là tạo ra kết quả thực chất.

Kế hoạch tái thiết Dải Gaza sau chiến sự là một trọng tâm thảo luận tại New York lần này.Ảnh: Alamy
Dẫu vậy, việc các quốc gia vẫn tiếp tục ngồi lại bàn về hòa bình cho Palestine trong bối cảnh hiện nay là một tín hiệu tích cực. Xung đột tại Dải Gaza chưa kết thúc, hàng nghìn thường dân đã thiệt mạng và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng. Viện trợ quốc tế cũng đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Do đó, việc tái khẳng định những nguyên tắc nền tảng của giải pháp hai nhà nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm cứu vãn hy vọng hòa bình khỏi nguy cơ bị quên lãng.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận bốn vấn đề chính: thúc đẩy công nhận quy chế nhà nước Palestine; giải giáp các nhóm vũ trang ngoài kiểm soát Chính quyền Palestine; cải cách bộ máy hành chính của Chính quyền Palestine tại Bờ Tây; và kế hoạch tái thiết Dải Gaza sau xung đột. Các nội dung này tuy không mới nhưng được đặt ra cụ thể hơn kèm những điều kiện thực thi rõ ràng - một nỗ lực nhằm biến khẩu hiệu hòa bình thành hành động thiết thực.
Hội nghị New York thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia với động cơ khác nhau. Pháp nổi lên như bên bảo trợ chủ động từ châu Âu, khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) công nhận nhà nước Palestine, dù chính Paris vẫn chưa làm điều này. Tuy nhiên, châu Âu chưa có đồng thuận chung về vấn đề Palestine, và việc Tổng thống Emmanuel Macron vắng mặt tại New York khiến vai trò dẫn dắt của châu Âu thêm mờ nhạt.
Mỹ tỏ thái độ thận trọng. Washington không phản đối công khai nhưng nhiều lần cảnh báo các nước không nên có “động thái đơn phương” gây tổn hại đàm phán, đồng thời ngầm vận động đồng minh hạn chế cử quan chức cấp cao tham dự để tránh hình ảnh chia rẽ. Sự dè dặt này xuất phát từ lo ngại hội nghị có thể đưa ra quyết định bất lợi cho đồng minh Israel, như việc một số nước định công nhận Palestine đơn phương.
Các nước Arab, đặc biệt Saudi Arabia - đồng chủ trì hội nghị, muốn tận dụng diễn đàn này để thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực và trách nhiệm đối với Palestine. Sau cuộc chiến Gaza, công luận Arab đòi hỏi phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ người Palestine. Việc đứng ra tổ chức hội nghị giúp Riyadh nâng cao uy tín và khẳng định thế giới Arab vẫn không bỏ rơi Palestine. Trung Quốc cũng xem hội nghị là cơ hội thể hiện vai trò cường quốc có trách nhiệm. Thúc đẩy hòa bình Israel - Palestine giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông, tạo đối trọng với Mỹ, đồng thời khẳng định lập trường ủng hộ quyền chính đáng của người Palestine.
Về phía các bên liên quan trực tiếp, Israel kịch liệt phản đối hội nghị, cho rằng thúc đẩy công nhận nhà nước Palestine lúc này chẳng khác nào “thưởng cho bạo lực” vì Hamas vẫn kiểm soát Gaza. Tel Aviv lo diễn đàn New York sẽ tạo tính chính danh cho các lực lượng họ coi là khủng bố, làm suy yếu vị thế chiến lược của Israel. Ngược lại, Chính quyền Palestine coi hội nghị là cơ hội khẳng định vị thế pháp lý của mình. Tổng thống Mahmoud Abbas hy vọng qua đó có thể khôi phục quyền quản lý của Chính quyền Palestine tại Gaza và thống nhất với Bờ Tây, đồng thời tuyên bố sẵn sàng cải cách theo yêu cầu quốc tế để giành lại lòng tin của người dân.
Hội nghị hòa bình New York được nhìn nhận như một phép thử đối với tương lai giải pháp hai nhà nước và cục diện chính trị nội bộ Israel - Palestine. Nếu hội nghị đạt được một số thỏa thuận cụ thể, đó sẽ là tín hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế vẫn kiên trì giải pháp hai nhà nước. Sự ủng hộ mạnh mẽ hơn dành cho Palestine, chẳng hạn cam kết công nhận nhà nước hoặc viện trợ tái thiết, có thể tạo động lực mới để khôi phục đàm phán, đồng thời củng cố vị thế của lãnh đạo ôn hòa như ông Mahmoud Abbas.
Ngược lại, nếu hội nghị không mang lại kết quả đáng kể, các thành phần cực đoan ở cả hai phía sẽ có thêm lý do để bác bỏ nỗ lực hòa bình. Chính phủ Israel khi đó nhiều khả năng sẽ càng thẳng tay hơn trong chính sách cứng rắn, còn Hamas sẽ tuyên truyền rằng đấu tranh vũ trang là con đường duy nhất bảo vệ người Palestine. Niềm tin của người dân hai bên vào triển vọng hai nhà nước vì thế sẽ tiếp tục suy giảm.
Kế hoạch tái thiết Dải Gaza sau chiến sự là một trọng tâm thảo luận tại New York lần này. Gaza đang rơi vào thảm họa nhân đạo: hạ tầng đổ nát, nhu cầu tái thiết khổng lồ trong khi nguồn viện trợ đã gần cạn kiệt. Tái thiết đòi hỏi môi trường an ninh ổn định, do vậy các bên đang cân nhắc thiết lập cơ chế giám sát hòa bình quốc tế để hỗ trợ quá trình tái thiết Gaza.
Một phương án là triển khai lực lượng quan sát hoặc gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của LHQ nhằm giám sát ngừng bắn, bảo vệ thường dân và đảm bảo viện trợ được phân phối đến người dân. Sự hiện diện của lực lượng trung lập có thể giúp giảm nguy cơ xung đột tái diễn, bảo vệ các thành quả tái thiết không bị hủy hoại.
Tuy nhiên, khả năng triển khai cơ chế quốc tế tại Gaza vẫn là dấu hỏi lớn. Để hiện thực hóa, cần sự đồng thuận của các bên trực tiếp, bao gồm cả Israel lẫn Hamas, những lực lượng có thể không hoan nghênh sự giám sát bên ngoài, cũng như cam kết đóng góp nhân lực, tài chính lâu dài từ cộng đồng quốc tế. Những điều kiện tiên quyết này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn, vượt xa những tuyên bố thiện chí tại hội nghị.
Hội nghị hòa bình New York lần này sẽ tác động mạnh đến niềm tin vào giải pháp hai nhà nước cũng như uy tín của chủ nghĩa đa phương. Để sự kiện đạt kết quả thực chất, các bên cần quyết tâm biến cam kết thành hành động cụ thể.
Trước hết, các nước chủ chốt phải duy trì áp lực ngoại giao buộc các bên xung đột tôn trọng lệnh ngừng bắn và hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Đồng thời, cộng đồng quốc tế nên sớm triển khai cơ chế giám sát Gaza dưới sự bảo trợ của LHQ nhằm đảm bảo an ninh cho tái thiết. Những cam kết viện trợ cũng cần được cụ thể hóa bằng nguồn tài chính đủ lớn và thực hiện minh bạch.
Về phần mình, Việt Nam có thể đóng góp phù hợp với khả năng và thế mạnh riêng. Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam kiên định ủng hộ giải pháp hai nhà nước, đồng thời tích cực kêu gọi tại các diễn đàn quốc tế và khu vực để cộng đồng không bỏ quên xung đột Palestine. Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia các nỗ lực nhân đạo và hoạt động gìn giữ hòa bình - chẳng hạn cử chuyên gia, lực lượng tham gia phái bộ quốc tế nếu LHQ thiết lập tại Gaza. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm tái thiết hậu xung đột và hỗ trợ đào tạo về phát triển kinh tế - xã hội cho Palestine.
Dù kết quả hội nghị ra sao, cộng đồng quốc tế không được bỏ cuộc. Chỉ với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và những bước đi thiết thực sau hội nghị, hy vọng hòa bình cho Palestine mới có cơ hội trở thành hiện thực.