Hội nghị hòa bình Ukraine: Giải pháp lâu dài phải liên quan cả hai bên xung đột

Nhiều nước tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ cho rằng hội nghị sẽ hiệu quả hơn nếu có Nga tham dự.

Hội nghị hòa bình Ukraine chính thức khai mạc ngày 15-6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock (Thụy Sĩ), với sự tham gia của 100 đoàn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới (gồm 92 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế). Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 16-6 (giờ địa phương), hãng Reuters đưa tin.

Chương trình nghị sự 3 điểm

Theo tạp chí INDEPENDENT, Hội nghị hòa bình Ukraine công bố văn bản chương trình nghị sự cho toàn bộ hội nghị. Với tiêu đề “Thông cáo chung về khuôn khổ hòa bình Thụy Sĩ”, văn bản nêu rõ: “Hội nghị thượng đỉnh này được xây dựng dựa trên các cuộc thảo luận trước đó theo Công thức hòa bình của Ukraine và các đề xuất hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Chương trình nghị sự nhấn mạnh vào ba điểm then chốt, gồm: an toàn hạt nhân, an ninh lương thực toàn cầu và hồi hương tù nhân chiến tranh. Đây được coi như một tầm nhìn chung nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho Ukraine.

Thứ nhất, bất kỳ việc sử dụng năng lượng hạt nhân và cơ sở hạt nhân nào cũng phải an toàn, bảo đảm an toàn và thân thiện với môi trường. Các nhà máy và cơ sở điện hạt nhân của Ukraine, bao gồm Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, phải hoạt động an toàn dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chủ quyền Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc và đặt dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

 (Từ trái sang) Đại diện phái đoàn Thụy Sĩ, Ukraine, và Mỹ tại Hội nghị hòa bình Ukraine ngày 15-6. Ảnh: REUTERS

(Từ trái sang) Đại diện phái đoàn Thụy Sĩ, Ukraine, và Mỹ tại Hội nghị hòa bình Ukraine ngày 15-6. Ảnh: REUTERS

“Bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra chống lại Ukraine đều không được chấp nhận” - theo văn bản chương trình nghị sự.

Thứ hai, an ninh lương thực toàn cầu phụ thuộc vào việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn. Về vấn đề này, hàng hải thương mại tự do, đầy đủ và an toàn cũng như khả năng tiếp cận các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov là rất quan trọng. Các cuộc tấn công vào tàu buôn, các cảng dân sự và cơ sở hạ tầng cảng dân sự là không thể chấp nhận được.

“An ninh lương thực không được phép bị biến thành vũ khí theo bất kỳ cách nào. Các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine phải được cung cấp một cách an toàn và miễn phí cho các nước thứ ba” - văn bản có đoạn.

Thứ ba, tất cả tù binh chiến tranh phải được trả tự do thông qua trao đổi toàn diện giữa Nga và Ukraine.

Ukraine hy vọng xây dựng một kế hoạch hòa bình chung mới dựa trên công thức hòa bình 10 điểm của Zelensky nhưng cởi mở với tất cả các ý kiến từ các quốc gia khác, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, nói.

Các bên nêu rõ lập trường

Theo hãng thông tấn Ukrinform, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết rằng Hội nghị hòa bình sẽ tạo cơ hội cho các nước thực hiện các bước cụ thể trong các lĩnh vực quan trọng. “Cùng nhau, chúng ta phải nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng các cuộc chiến tranh sớm chấm dứt và không bao giờ lặp lại. Tôi chắc chắn rằng mọi người trên thế giới đều quan tâm đến hòa bình và tôn trọng mọi quốc gia. Đây là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh được thiết kế theo cách mà mỗi quốc gia có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo trong việc đạt được các mục tiêu chung” - ông Zelensky nói.

"Hội nghị hòa bình cũng mang đến cơ hội thảo luận lần đầu tiên ở cấp cao nhất về cách thức và thời điểm Nga có thể được đưa vào quá trình này. Việc phát triển một giải pháp hòa bình lâu dài cuối cùng vẫn đòi hỏi sự tham gia của cả hai bên (Nga và Ukraine). Bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, Thụy Sĩ đang tạo điều kiện kích hoạt quá trình hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine” - nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden không tham dự và Phó Tổng thống Kamala Harris thay mặt. Tại hội nghị, bà Harris cho biết Washington sẽ viện trợ thêm 1,5 tỉ USD để hỗ trợ cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, cũng như giúp Kiev giải quyết các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp, tăng cường an ninh dân sự (trong đó có bảo vệ biên giới).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Ukraine không được đầu hàng trước những yêu cầu của Nga, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt chiến sự đều phải khôi phục chủ quyền của Ukraine và tôn trọng “quy tắc quốc tế”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã so sánh hội nghị thượng đỉnh với “một cái cây nhỏ cần được tưới nước, nuôi dưỡng và chăm sóc tinh tế” sẽ mang lại trái ngọt về sau.

Tuy nhiên, các quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Kenya coi sự vắng mặt của Nga là một rào cản. "Tôi cũng phải lưu ý rằng hội nghị này có thể đạt được nhiều kết quả hơn nếu Nga, bên còn lại trong cuộc xung đột, có mặt trong phòng họp" - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói.

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd nói rằng việc không đưa Nga vào tiến trình hòa bình là việc làm “khó hiểu", vì một "giải pháp lâu dài phải liên quan đến cả hai bên”, theo hãng tin The Kyiv Independent.

Bà Amherd nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế có thể giúp mở đường cho hòa bình bằng cách cùng nhau giải quyết vấn đề "ngay cả trong những lĩnh vực khó khăn" và sẽ thảo luận về các điều kiện mà Nga có thể được đưa vào quá trình này.

Phía Trung Quốc không tham dự hội nghị vì cho rằng sẽ vô nghĩa khi hội nghị này vắng bóng Nga, vốn là một bên trong xung đột.

Nga không được mời tham dự hội nghị. Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán kiểu này không thể mang lại giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nếu không có sự tham dự của Nga. Ngày 15-6, ông Peskov nói rằng Hội nghị hòa bình Ukraine sẽ không tập trung vào tìm ra giải pháp để đạt được hòa bình do các đề xuất mà Nga đưa ra không được đưa vào chương trình nghị sự, đài RT đưa tin.

Ukraine sẽ trình bày kế hoạch hành động với Nga tại hội nghị hòa bình lần hai

Tại Hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra ngày 15-6 ở Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine sẽ trình một kế hoạch hành động cho Nga tại hội nghị hòa bình lần hai, sau khi công thức hòa bình được ấn định.

Ông Zelensky nói rằng Nga không quan tâm đến hòa bình và những người tham dự hội nghị nên cùng nhau quyết định cách đạt được hòa bình "thực sự lâu dài" theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Khi kế hoạch hành động được đưa ra bàn thảo, được tất cả mọi người nhất trí và minh bạch cho người dân, thì nó sẽ được thông báo tới các đại diện của Nga. Theo đó, tại hội nghị hòa bình lần thứ hai, chúng ta có thể đi đến kết thúc hoàn toàn chiến sự" - ông Zelensky nói.

Trước đó, ngày 11-6, ông Andriy Yermak - Chánh văn phòng tổng thống Ukraine - nói rằng Kiev mong muốn Nga sẽ tham dự hội nghị hòa bình về Ukraine lần thứ hai để nhận được lộ trình được quốc tế thống nhất nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, theo hãng tin AFP.

Theo ông Yermak, dựa trên những “kinh nghiệm tồi tệ” về các hình thức đàm phán trước đây liên quan Nga, việc chấm dứt xung đột cần phải được xây dựng dựa trên sự ủng hộ rộng rãi ngay từ đầu và bắt nguồn từ luật pháp quốc tế.

Chánh văn phòng tổng thống Ukraine nói thêm rằng một quan điểm được “100 quốc gia trở lên” từ khắp các châu lục ủng hộ thay vì lập trường của riêng Ukraine “sẽ là một kế hoạch thực tế rất khó tranh cãi… Một lộ trình thực tế về cách ngăn chặn cuộc chiến này và cách giải quyết cuộc khủng hoảng".

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-giai-phap-lau-dai-phai-lien-quan-ca-hai-ben-xung-dot-post795946.html