Trung Quốc sở hữu pháo đạt chuẩn NATO

Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác châu Âu trong việc nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm này.

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc đã trưng bày mô hình pháo đạt tiêu chuẩn NATO tại triển lãm quốc phòng hàng đầu ở Pháp trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu vũ khí trên đất liền. Mặt khác, giới phân tích nhận định, Bắc Kinh vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác châu Âu trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Nhân viên đại diện tập đoàn quốc phòng quốc gia Trung Quốc Norinco tại triển lãm An ninh và Quốc phòng Eurosatory ở Paris ngày 18/6. Ảnh: Bloomberg

Nhân viên đại diện tập đoàn quốc phòng quốc gia Trung Quốc Norinco tại triển lãm An ninh và Quốc phòng Eurosatory ở Paris ngày 18/6. Ảnh: Bloomberg

Tuần trước, 61 nhà thầu quốc phòng Trung Quốc đã tham gia Eurosatory, một trong những triển lãm quốc phòng lớn nhất ở châu Âu. Số lượng này tăng đáng kể so với triển lãm trước đó vào năm 2022 khi có chưa tới 10 công ty từ Trung Quốc có mặt tại sự kiện ở Paris.

Nhà sản xuất vũ khí trên bộ lớn nhất đất nước, Tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco), đã trưng bày hai mô hình thu nhỏ của các loại pháo binh chính trên bộ – PLZ-52 và pháo tự hành SH-15 155mm gắn trên xe tải trong gian hàng.

Cả hai khẩu pháo của Norinco đều có cỡ nòng 155mm theo tiêu chuẩn NATO. PLZ-52 hay còn gọi là PLZ-05A chưa có hồ sơ xuất khẩu.

Tuy nhiên, dòng pháo PCL-181, được mệnh danh là SH-15 cho các biến thể xuất khẩu, đã được xuất sang Pakistan và Ethiopia.

Hồ sơ xuất khẩu PCL-181 và PLZ-45 cho thấy pháo cỡ nòng 155mm tiêu chuẩn NATO của Trung Quốc chủ yếu được bán cho các nước Trung Đông và châu Phi.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corporation có trụ sở tại Mỹ, cho biết những đơn vị này “nhìn chung vượt trội” so với thiết kế của Nga nhưng lại có giá thấp hơn pháo do châu Âu sản xuất.

Chuyên gia Heath cho biết: “Lựu pháo Trung Quốc có triển vọng tốt để xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Phi vì nhiều trong số này sử dụng hệ thống vũ khí của NATO”.

“Hơn nữa, pháo có chi phí tương đối thấp so với máy bay và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác, nhưng lại rất hữu ích khi chống lại các đối thủ trên bộ. Do đó thị trường tiềm năng có thể rất đáng kể.”

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong khi Trung Quốc có thể thay thế Nga trong việc trở thành nhà cung ứng vũ khí sang các nước đang phát triển, nhất là khi Moscow đang bị sa lầy bởi chiến tranh và các lệnh trừng phạt quốc tế, thì việc Norinco trưng bày pháo đạt tiêu chuẩn NATO tại triển lãm quốc phòng châu Âu chưa chắc đủ khả năng thúc đẩy việc xuất khẩu sang châu Âu hay bất kỳ quốc gia đồng minh nào của Mỹ.

Tại Eurosatory, KNDS France, nhà sản xuất vũ khí trên bộ lớn của Pháp, đã trưng bày sản phẩm Caesar Mk. 2 pháo tự hành 155mm lần đầu tiên có động cơ mạnh gấp đôi Mk. 1 hiện đang được Ukraine triển khai trong chiến sự.

“[Pháo binh] là một thị trường đang phát triển. Do chiến sự đang diễn ra, châu Âu đang ngày càng quan tâm đến các hệ thống hiện đại dành cho chiến tranh cường độ cao… Vì vậy, danh sách các đối thủ cạnh tranh có thể còn rất dài,” Robin Lambert, người phát ngôn của KNDS France, cho biết khi giới thiệu Caesar Mk. 2 được trưng bày bên ngoài phòng triển lãm chính ở Eurosatory.

“Đây là những hệ thống hiệu quả, đáng tin cậy và vượt trội hơn tất cả các hệ thống khác.Do đó, ba ưu điểm [và] năng lực này khiến nó trở thành một trong những giải pháp tốt nhất trên thị trường.”

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-so-huu-phao-dat-chuan-nato.html