Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2023
Ngày 18/4, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị khoa học thường niên năm 2023. Đây được xem là ngày hội khoa học của ngành y tế, không chỉ cập nhật những thông tin, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị mà người tham dự còn cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.
Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Trung ương, bên cạnh chức năng điều trị và hỗ trợ điều trị cho mạng lưới khám chữa bệnh của các tỉnh, thành phố phía nam, Bệnh viện Chợ Rẫy còn là một trong những trung tâm hàng đầu trên cả nước về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hội nghị khoa học thường niên là một trong những hoạt động đào tạo mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Nối tiếp những thành công ấy, Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 diễn ra với 1 phiên toàn thể và 25 phiên chuyên đề.
Trong đó, có 10 phiên chuyên đề ngoại khoa, 6 phiên chuyên đề nội khoa, 3 phiên chuyên đề cận lâm sàng và 2 phiên chuyên đề điều dưỡng.
Bên cạnh các phiên chuyên đề thường quy, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong việc tham dự hoạt động khoa học quốc tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức thêm 4 phiên chuyên đề với 32 báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh trong hội nghị.
Báo cáo tại phiên điều dưỡng của hội nghị, điều dưỡng Trần Thị Thúy, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng nhất tại thành phố (khoảng tháng 8-10/2021), Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị cho 1.576 người mắc Covid-19.
Nhóm nghiên cứu đã chọn ra 351 người bệnh Covid-19 ngẫu nhiên, trong đó có 139 bệnh nhân mức độ nặng và nguy kịch, 212 bệnh nhân mức độ trung bình. Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch là 68 tuổi, trong khi ở nhóm trung bình là 58 tuổi. Bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường và tăng huyết áp chiếm 1/3 tổng số nhập viện.
Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân thuộc nhóm trung bình.
Về chi phí, trung bình một người mắc Covid-19 nằm viện điều trị tốn khoảng 55 triệu đồng, con số này ở nhóm nặng và nguy kịch là 140 triệu đồng/người.
Trong tổng chi phí điều trị, thuốc chiếm nhiều nhất với 2/3 chi phí, chủ yếu là kháng sinh và kháng nấm. Bên cạnh đó là các chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng, dịch vụ khác...
Nhóm tác giả đến từ Khoa Thận-Tiết niệu và khoa Vi sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 sau ghép thận.
Nghiên cứu được tiến hành đối với những người bệnh sau ghép thận mắc Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 10/7/2021 đến ngày 2/4/2022, có 314 bệnh nhân ghép thận mắc Covid-19 và đã có 12 trường hợp tử vong.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu nhận định, dù phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhưng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ghép thận mắc Covid-19 không cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong cao được ghi nhận ở những người cần chăm sóc tích cực và những người đang thở máy.