Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII

Sáng 16/7, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 7 về công tác cán bộ; cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Báo cáo kết quả lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể 6 tháng đầu năm do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh trình bày tại hội nghị khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 song, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy đã lãnh, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nỗ lực, quyết liệt trong hành động để thực hiện thành công 3 nhiệm vụ quan trọng: Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm đời sống nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tường và tổ chức; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động với 6 nhóm trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chung; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành thực hiện 18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội với 182 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Đặc biệt, đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá; phê duyệt 31 đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; ban hành hơn 1.000 văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19…

Qua đó, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm ước tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất so với vùng Đồng bằng Sông Hồng, cao thứ 3 toàn quốc và là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 19.139 tỷ đồng, đạt 62,3% dự toán và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh thu hút được gần 177,7 triệu USD vốn FDI từ 15 dự án đầu tư mới và 13 dự án điều chỉnh tăng vốn; vốn DDI đạt hơn 7.509 tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 136,5% kế hoạch năm 2021.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả tỉnh đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Một số ý kiến đưa ra những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị, nhất là trong công tác phòng, chống dịch, tổ chức bầu cử, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư.

Đồng thời, nêu lên những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở, từ đó, đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho công nhân lao động và người dân; duy trì sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư tại chỗ, tận dụng tốt làn sóng đầu tư FDI dịch chuyển từ một số quốc gia về Việt Nam nhưng phải bảo đảm định hướng về công nghệ cao và bảo vệ môi trường…

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần khắc phục ngay những tồn tại, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra.

Tập trung lãnh, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình, kế hoạch, thông báo kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng và Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống dịch, mục tiêu cuối cùng là khống chế, ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; quan tâm tới đời sống nhân dân, trước mắt là chỉ đạo triển khai ngay Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Về nhiệm vụ cụ thể trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu rà soát các nguồn thu, bảo đảm thu chi đúng quy định Luật Ngân sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; xử lý kịp thời các tập thể, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, quan tâm tới tình hình an ninh nông thôn, trấn áp tội phạm, phòng cháy, chữa cháy; tình hình sức khỏe của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; tổ chức thành công diễn tập.

Về phương án phân bổ vốn đầu tư công, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất phân bổ nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo phương án: Bố trí 35% dành cho chương trình đột phá, nghị quyết, công trình lớn của tỉnh; 30% dành cho dự án các ngành, lĩnh vực; 30% dành cho các huyện, thành phố; 5% dành đối ứng các dự án ODA hoặc vốn vay nước ngoài.

Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu việc phân bổ vốn phải được thực hiện theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phân bổ sớm. Đặc biệt, ưu tiên tập trung các dự án mang tính đột phá nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế-xã hội. Vốn đầu tư công phải được hiểu là vốn mang tính nền tảng để thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác và phải sử dụng nguồn lực một cách hiệu tiết kiệm, hiệu quả.

Giao UBND tỉnh xây dựng các dự án, báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định bố trí nguồn lực theo định hướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, bảo đảm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cấp ủy, HĐND các cấp cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tránh tình trạng có tiền nhưng không tiêu được mà phải chuyển nguồn, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn đầu tư và chất lượng tăng trưởng chung của tỉnh.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã thực hiện quy trình giới thiệu thêm 1 nhân sự đối với chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026; nhân sự cho chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời, nghe Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan thông tin nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; quán triệt Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tình báo trong tình hình mới.

Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/64834/hoi-nghi-lan-thu-7-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-khoa-xvii.html