Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

Chiều 21/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Các đồng chí: Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Nhật Lệ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì.

Dự hội nghị có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp; các Ban HĐND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, Thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước, tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính (ĐVHC), tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng nhấn mạnh: Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là bước đi cần thiết, quan trọng và yêu cầu tất yếu, góp phần cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng; tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn, hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ lưỡng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến cụ thể, chất lượng đối với dự thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013; thống nhất có đề xuất, kiến nghị phù hợp, sát đúng tình hình thực tiễn để Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo trình cấp có thẩm quyền quyết định, góp phần làm cho Hiến pháp ngày càng hoàn thiện.

Tại hội nghị, đa số ý kiến của đại biểu bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết, nội dung và phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã.

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị, tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 cần giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, vì đây là một trong những cơ chế để thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước và trong thực tiễn khi thực hiện nội dung này cũng chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Rà soát, xem xét một số nội dung trong các khoản tại Điều 9 (sửa đổi, bổ sung), về mối quan hệ giữa Công đoàn Việt Nam và MTTQ Việt Nam đã quy định tại Điều 9 thì không lặp lại tại Điều 10.

Đối với khoản 3 Điều 110, cần quy định, xác lập rõ các ĐVHC trong Hiến pháp sửa đổi; đồng thời, đề nghị giữ nguyên nội dung lấy ý kiến nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC tại khoản 2 Điều 110 Hiến pháp hiện hành, để đảm bảo tính dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.

Tại Điều 2, đề nghị bổ sung nội dung quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Phó trưởng các Ban của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp; Thường trực HĐND cấp xã chỉ định Phó trưởng các Ban HĐND của ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng đánh giá cao sự tích cực nghiên cứu, nghiêm túc góp ý, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Các ý kiến đóng góp sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo trình cấp có thẩm quyền, làm căn cứ để xem xét, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Thanh Loan

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoi-nghi-lay-y-kien-doi-voi-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-3177369.html