Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Ngày 18/9, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Đối thoại lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ trì Hội nghị là ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban quản lý Chương trình 585.
Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu của Chương trình nhằm phát huy kết quả của giai đoạn 2015 – 2020; Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp nhỏ và vừa; Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, ngành, địa phương; Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phản ứng chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Cụ thể, Chương trình cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: xây dựng quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 1 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý; Cung cấp 100% các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, ngành, địa phương; Tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan; Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp, gián tiếp qua các diễn đàn nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…
Bộ Tư pháp là đơn vị Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình; Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, xây dựng các quy chế tổ chức và hoạt động của Chương trình; Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động của Chương trình và các nguồn lực phục vụ Chương trình. Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố… có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ thực hiện các hoạt động của Chương trình.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm đề nghị tiếp tục phát huy, thực hiện có hiệu quả những kết quả đã đạt được trong 10 năm vừa qua. “Các doanh nghiệp đánh giá rất cao về chương trình này”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nói và đề nghị sang giai đoạn mới, Ban quản lý cần tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi, có kiến thức chuyên môn sâu, phương pháp sư phạm, kinh nghiệm công tác trên nhiều lĩnh vực để khi cần có thể mời các chuyên gia tham dự.
Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết trong giai đoạn mới nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp rất đa dạng trong khi nguồn lực nhà nước hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hình thành phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế. Việc giúp doanh nghiệp thiết lập được một mô hình pháp chế trong doanh nghiệp phục vụ cho các hoạt động doanh nghiệp sẽ vô cùng hữu ích và tác dụng lâu dài cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho Chương trình.
Bà Hoàng Thị Nguyệt Thu, Trưởng phòng QLXLVPHC&TDTHPL, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc kiến nghị cần tiêu chuẩn hóa cụ thể đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có cơ chế chính sách cụ thể để thu hút những người có kinh nghiệm, có trình độ vào làm việc tại các tổ chức pháp chế, nhất là tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Đề nghị Bộ Tư pháp – cơ quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 có định hướng cụ thể hơn nữa trong vấn đề phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp để địa phương tham khảo, học tập…
Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiếp thu và đưa vào Dự thảo, triển khai trong thực tế. Về năng lực, chất lượng người làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, theo Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Dự thảo sẽ quy định cụ thể về các hoạt động, nội dung nhằm nâng cao chất lượng cho người làm công tác hỗ trợ; Xây dựng chương trình cụ thể, chương trình hay, đúng, trúng nhu cầu của doanh nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng Chương trình.