Hội nghị nghe báo cáo điều chỉnh Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình
Ngày 18/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo về việc điều chỉnh Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị tư vấn đã báo cáo các nội dung điều chỉnh Đề án và kết quả thực hiện các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 155/TB-VPUBND ngày 20/9/2023 của Văn phòng UBND tỉnh.
Đơn vị tư vấn báo cáo các nội dung điều chỉnh Đề án và kết quả thực hiện các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 155/TB-VPUBND của Văn phòng UBND tỉnh.
Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 154/QĐ-TTg ngày 29/1/2015, với diện tích hơn 1.155 ha (gồm 6 phân khu chức năng). Tổng nhu cầu vốn 7.368 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm gần 29%, nguồn vốn xã hội hóa là 71%, thời gian thực hiện đến năm 2025.
Kết quả thực hiện Đề án: Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước, đã bố trí là 159,316 tỷ đồng/2.121 tỷ đồng (chiếm 7,51%), cho các hạng mục: Lập quy hoạch xây dựng; lập Đề án tổng thể; cắm mốc giới, rà phá bom mìn; xây dựng giao thông kết nối, phòng cháy, chữa cháy kết hợp cấp nước Công viên; xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi thả thú dữ châu Á. Đối với nguồn vốn xã hội hóa, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt đã đầu tư dự án Trang trại Bảo tồn gấu Ninh Bình với quy mô gần 10 ha, mức đầu tư gần 205 tỷ đồng (chỉ đạt 3,9% kế hoạch vốn xã hội hóa).
Như vậy, theo phân kỳ đầu tư, đến năm 2025, Đề án sẽ được đưa vào vận hành, khai thác, tuy nhiên, đến nay, Đề án mới thực hiện được một phần rất nhỏ. Từ năm 2017 đến nay cũng như trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Nhà nước không được bố trí để thực hiện Đề án. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện xây dựng Công viên còn khó khăn do cơ sở vật chất và hạ tầng của Công viên chưa được đầu tư đồng bộ; địa điểm thực hiện là vùng núi, điều kiện khó khăn. Các hạng mục đầu tư trong Đề án trước đây xây dựng quá chi tiết, dẫn đến trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Một số hạng mục đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước không còn phù hợp... Chính vì vậy, Đề án cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất: Kéo dài tiến độ Đề án đến năm 2035; điều chỉnh quy mô sử dụng đất các phân khu thuộc Đề án; điều chỉnh tổng mức đầu tư, tăng nguồn vốn xã hội hóa, một số hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách giờ chuyển sang nguồn vốn xã hội hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với các báo cáo, đồng thời đánh giá đây là Đề án có tầm nhìn và hiệu quả lớn. Đại biểu đề nghị việc điều chỉnh cần thực hiện linh hoạt, nhất là trong điều chỉnh quy mô sử dụng đất các phân khu và điều chỉnh các dự án thành phần. Bên cạnh đó, cập nhật kịp thời các quy hoạch có liên quan như: quy hoạch ngành, lĩnh vực của Trung ương, quy hoạch vùng tỉnh, huyện… đảm bảo Đề án đồng bộ với các quy hoạch, tính khả thi cao và tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng nhấn mạnh: Đây là Đề án có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường mà còn có ý nghĩa quốc tế, được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Do vậy, tỉnh quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc để Đề án này trở thành hiện thực. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác truyền thông, minh bạch hóa việc thu hút các dự án đầu tư vào Công viên. Các sở, ngành có liên quan tiếp tục đóng góp ý kiến, sớm hoàn thiện Đề án để Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, hoàn chỉnh, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.