Hội nghị nghe báo cáo quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Chiều 14/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo phương án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan; Hội Khoa học lịch sử Ninh Bình...

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đại diện đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch được đơn vị tư vấn thực hiện dựa trên 12 ý tưởng, như: Mô hình chiến lược bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư; vấn đề hồi sinh Cố đô Hoa Lư với diện mạo văn hóa, văn minh và văn hiến; chiến lược phát triển đô thị Cố đô-di sản Ninh Bình; ý tưởng đô thị di sản mới và thành phố của tương lai; về quy hoạch đô thị du lịch và hệ thống các công viên; ý tưởng kết nối mặt nước và dòng chảy; về hạ tầng toàn diện, xanh và thông minh;...

Quy mô và tầm nhìn của Cố đô Hoa Lư vào năm 2050 được xây dựng, tái phát triển dựa trên truyền thống lịch sử, sự đa dạng về tự nhiên, văn hóa, thể chế, nguồn nhân lực, sự đặc sắc về cảnh quan để trở thành một mô hình toàn cầu về bảo tồn bền vững di sản và phát triển đô thị gắn với sản nghiệp văn hóa. Thành phố Cố đô - Di sản đã định hình thực thể nền văn hóa, văn minh và văn hiến của một Cố đô Hoa Lư huyền thoại.

Các yếu tố cấu thành tầm nhìn bao gồm: Hạt nhân nền tảng trong chiến lược phát triển đô thị Cố đô - Di sản; dân cư an toàn, cuộc sống tươi đẹp; hệ thống bảo tồn di sản bền vững; trung tâm đô thị sôi động, cuộc sống bình yên; vận tải và tiếp cận đa phương thức; thành phố xanh, thông minh, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu; nền kinh tế thịnh vượng, vững chắc và lâu bền; thực hành phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Các nguyên lý thực hiện tầm nhìn bao gồm: hạt nhân tăng trưởng linh hoạt; giới hạn tăng trưởng và bảo tồn bền vững; xác lập ưu thế, năng lực cạnh tranh; khơi dậy sức mạnh cộng đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến làm rõ một số nội dung chuyên đề trong Báo cáo phương án quy hoạch. Tập trung vào các nội dung như: Tầm nhìn phát triển Cố đô Hoa Lư; việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm điều chỉnh, bổ sung trong Báo cáo quy hoạch; vấn đề quy hoạch phát triển bền vững khu vực di sản; việc thành lập và dành quỹ đất khu vực quần cư di sản cho cư dân địa phương, phát triển hạ tầng giao thông; các vấn đề về bảo tồn, tu bổ, phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể trong không gian di sản...

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, thống nhất 12 ý tưởng quy hoạch mà đơn vị tư vấn trình bày. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trao đổi, đối chiếu giữa Quy hoạch Cố đô Hoa Lư với các quy hoạch khác của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất, phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh.

Mục tiêu của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Thông qua đó hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với di tích một cách hữu hiệu. Đồng thời, hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.

Hạnh Chi-Minh Quang-Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-nghe-bao-cao-quy-hoach-di-tich-quoc-gia-dac-biet-co/d20231114083956887.htm