Hội nghị Ngoại trưởng G7 tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19
Hôm nay (4/5), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thủ đô London, Anh, bàn về nhiều vấn đề lớn của thế giới.
Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ngoại trưởng G7 trong vòng 2 năm qua và cũng là để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Tây Nam nước Anh vào tháng 6/2021. Trước thềm cuộc họp, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi G7 đẩy mạnh vai trò trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 – một vấn đề đã và đang tác động mạnh đến mọi mặt của xã hội trong vòng 2 năm qua.
Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh vai trò của các nước G7 trong cuộc cuộc chiến chống Covid-19. Theo người đứng đầu WHO, đây là những nước đang dẫn đầu thế giới cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị và cũng là những nước sản xuất hầu hết các loại vaccine trên thế giới. Do đó, vai trò dẫn dắt của G7 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu. Ông Ghebreyesus nói: “G7 là các quốc gia dẫn đầu thế giới cả về trên phương diện kinh tế lẫn chính trị. Đây cũng là ngôi nhà của nhiều nhà sản xuất vaccine lớn của thế giới. Chúng ta sẽ chỉ giải quyết được khủng hoảng vaccine với sự hỗ trợ của các nước G7".
Trong số các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay thì có đến 4 loại vaccine được sản xuất tại các nước G7 như Pfizer và Biontech (Đức), Moderna, Johnson and Johnson (Mỹ), Astra Zeneca của Anh. Trong cuộc chiến chống dịch, ngoài các biện pháp hạn chế và phòng dịch, tiêm vaccine được xem là giải pháp hiệu quả trong việc chặt đứt chuỗi mắt xích lây nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine. Trong tổng số gần 1,2 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu chỉ có 2,9% trong số này là ở các nước có thu nhập thấp nhất.
Chương trình Hỗ trợ tiếp cận các công cụ phòng chống Covid-19 (ACCT) của Liên Hợp Quốc đang thiếu 19 tỷ USD vốn hoạt động trong tổng số 22 tỷ USD cần thiết cho năm 2021, trong khi chương trình này cần thêm từ 35 đến 45 tỷ USD trong năm sau để đảm bảo mục tiêu hầu hết người trưởng thành trên thế giới đều được tiêm vaccine.
Là nhóm có quyền lực và khả năng chi trả gần 70% tổng số chi phí nêu trên, nếu G7 có thể thống nhất một công thức chia sẻ trách nhiệm công bằng sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong hoạt động phân phối vaccine và mang lại cơ hội tiêm ngừa Covid-19 cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Trong thông điệp đưa ra hôm qua (3/5), đặc phái viên Liên Hợp Quốc về giáo dục toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhấn mạnh: “G7 là diễn đàn đưa các nước giàu nhất thế giới quy tụ với nhau. Các bạn có quyền lực và khả năng chi trả cho gần 2 phần 3 chi phí và đảm bảo sự đột phá lịch sử trong hoạt động phân phối vaccine và mang lại cơ hội tiêm ngừa Covid-19 cho hàng triệu người trên khắp thế giới, thông qua việc nhất trí chia sẻ công thức chi trả cho các hoạt động y tế toàn cầu”.
Dự kiến, trong thời gian diễn ra hội nghị, các nước G7 sẽ thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Tây Nam nước Anh vào tháng 6/2021. Hội nghị cũng đề cập quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng như các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Anh hiện đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên G7, gồm cả các nước Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản và Italy. Tham dự cuộc họp Ngoại trưởng G7 lần này còn có đại diện của Liên minh châu Âu, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi và nước Chủ tịch ASEAN Brunei./.