Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Ngày 14/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị.
Dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì. Tham dự điểm cầu còn có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương ; Ban chấp hành Đảng ủy Bộ; Chủ tịch Công đoàn Bộ; Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ; Cấp trưởng, cấp phó, bí thư, phó bí thư chi bộ (đảng bộ) các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (giám đốc), bí thư, phó bí thư chi bộ (đảng bộ) các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Tiếp đến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo Kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Những năm qua, quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 – 2020) đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002…
Bên cạnh đó, Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái – văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã trình bày một số tham luận tại Hội nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có phát biểu chỉ đạo với nhiều nội dung quan trọng.