Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đã đóng góp thiết thực trong gắn kết, gìn giữ và phát huy giá trị loại hình di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học.

Ngày 12/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).

Hội nghị với chủ đề "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng công viên địa chất" được tổ chức từ ngày 5-17/9, với khoảng 800-1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các địa phương theo mô hình "mở", vừa bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, giá trị lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, vừa thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Cao Bằng. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Cao Bằng. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Nhận thức được những giá trị và ý nghĩa quan trọng đó, ngay từ những năm đầu tiên thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (Mạng lưới), Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và cùng các địa phương tham gia, đóng góp tích cực.

Cho đến nay, các công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam là Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và ngày hôm qua (11/9) Lạng Sơn vừa được hội đồng thông qua, đã thể hiện được tính đúng đắn từ những mục tiêu ban đầu của Mạng lưới.

Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đã giúp Cao Bằng và các địa phương của Việt Nam gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao giáo dục cho người dân; phát huy tốt vai trò của thanh niên, phụ nữ, người yếu thế để họ vừa được thụ hưởng, vừa tham gia vào việc quản lý, vận hành các công viên địa chất, như tinh thần của hội nghị: "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng công viên địa chất".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đã có những đóng góp thiết thực trong việc tăng cường gắn kết, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt – di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu trong suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng lưu ý rằng, theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững năm 2024 tháng 6 vừa qua, chỉ 17% mục tiêu là đang đi đúng hướng. Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu giữ nguyên tiến độ triển khai như hiện nay, phải đến năm 2062 mới có thể đạt được các cam kết đặt ra cho năm 2030.

"Công viên địa chất toàn cầu chính là một lời giải cho vấn đề toàn cầu này", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh tương lai tại New York (Hoa Kỳ) để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á-Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới.

Thứ nhất, cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì phát triển bền vững.

Thứ hai, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu.

Thứ ba, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững.

Thứ tư, cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.

"Tôi trông đợi Tuyên bố Cao Bằng sẽ là văn kiện quan trọng đánh giá hoạt động của Mạng lưới hai thập kỷ qua, đề xuất định hướng hợp tác trong thập kỷ tới, nhất là năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm Chương trình Công viên địa chất toàn cầu" của UNESCO (2015-2025), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-quoc-te-lan-thu-8-mang-luoi-cong-vien-dia-chat-toan-cau-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-345362.html