Hội nghị tham gia ý kiến vào các dự án luật

Ngày 8/10, đồng chí Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến vào các dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Dự thảo Dự án dự án Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương, 130 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều). Theo Tờ trình của Chính phủ, qua gần 10 năm triển khai Luật Việc làm 2013 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập. Các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế- xã hội... vì vậy, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện nhằm bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; tạo việc làm bền vững cho người lao động...

Đồng chí Vi Đức Thọ phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Vi Đức Thọ phát biểu tại hội nghị.

Đối với Dự án Luật Việc làm, các đại biểu đã tập trung tham gia ý kiến vào quy định chung; chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; dịch vụ việc làm; quản lý nhà nước về việc làm. Đề nghị có quy định rõ thời gian làm việc của học sinh, sinh viên từ đủ 15 tuổi trở lên, tối đa bằng 2/3 thời gian người lao động bình thường là 36 tiếng/tuần để đảm bảo sức khỏe và thời gian để vừa học vừa làm; bổ sung nội dung hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động là người cao tuổi; cân nhắc thêm khung thời gian người lao động đóng BHTN…

Đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phát biểu ý kiến.

Đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phát biểu ý kiến.

Đối với Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 40 điều so với trước đây, được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và về hiệu lực thi hành của Luật. Sau 15 năm triển khai thực hiện, đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, để có hiệu lực đồng bộ từ ngày 1/1/2025.

Đại diện Hội đồng tư vấn, phản biện, Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu ý kiến.

Đại diện Hội đồng tư vấn, phản biện, Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu ý kiến.

Tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu đề nghị quan tâm bổ sung vào Luật về đối tượng chữa trị bệnh vô sinh, hiếm muộn; mở rộng đối tượng khám chữa bệnh trong danh mục BHYT; cần sửa đổi quy định về chi phí vận chuyển đối với người bệnh phải chuyển tuyến, bệnh nặng, nguy hiểm; xem xét sửa đổi, mở rộng quy định về điều trị thông tuyến; xem xét điều chỉnh phân bổ quỹ BHYT; cần sửa đổi nội dung về quy định rõ vai trò trách nhiệm của giám định BHYT; bổ sung quy định về lập, giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT cho BHXH các tỉnh và cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT…

Đồng chí Vi Đức Thọ đã tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu, tổng hợp báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lam Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/dien-dan-cu-tri/hoi-nghi-tham-gia-y-kien-vao-cac-du-an-luat-3PlxCykNR.html