Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á trở lại, tâm điểm dồn về Nhật Bản
Đối thoại Shangri-La đã trở lại đúng lúc hơn bao giờ hết, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt. Nhật Bản được mong đợi sẽ là tiếng nói hài hòa giữa các bên.
Sau 2 năm vắng bóng, những bộ quân phục sẽ trở lại khách sạn Shangri-La của Singapore, địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh an ninh cùng tên, vào các ngày 10-12/6.
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào 20 năm trước, Đối thoại Shangri-La đã dần tăng cả về quy mô và tầm ảnh hưởng, đóng vai trò then chốt trong môi trường an ninh của khu vực.
Năm nay, sự kiện sẽ đón tiếp khoảng 500 đại biểu gồm quan chức quân đội, chính khách và nhà ngoại giao cấp cao từ hơn 40 nước. Bên cạnh căng thẳng Mỹ - Trung, giao tranh Ukraine nhiều khả năng cũng sẽ thống trị những cuộc trao đổi diễn ra trong 72 giờ tại đây. Hội nghị năm nay còn có sự tham dự từ xa của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các nước mong Nhật Bản tăng cường vai trò
Mở đầu Shangri-La năm nay sẽ là bài phát biểu chủ đề của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào tối 10/6. Đây sẽ là trọng trách không dễ dàng đối với vị thủ tướng, nhất là xét đến vị trí của Nhật Bản tại châu Á.
Tuy là đồng minh với Mỹ, Nhật Bản thường có cách ứng xử “ý nhị” hơn với Trung Quốc vì họ vẫn muốn duy trì quan hệ tương đối tốt với Bắc Kinh, theo ông James Crabtree, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La.
“Ngược lại, Nhật Bản cũng cảm thấy đáng báo động trước các xu hướng trong khu vực. Họ lo lắng bị cuốn vào xung đột về Đài Loan, đồng thời cần giải quyết câu hỏi cần làm gì với Nga vì hai nước vẫn có một số tranh chấp lãnh thổ”, ông Crabtree nói trong một podcast trên Fulcrum.
“Tôi nghĩ rằng trong bài phát biểu của ông Kishida sẽ có nhiều điều đáng lưu ý vì ông ấy không chỉ nói cho các đồng minh, đối tác như Mỹ và Australia, mà còn là nói cho Đông Nam Á”, ông Crabtree nhận định.
Theo ông Crabtree, Đông Nam Á đang kiếm tìm một nước có vai trò như “người lớn trong phòng” để có thể điều hòa những giọng nói cứng rắn ở cả Washington và Bắc Kinh. Nhật Bản chính là một nước như thế.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Kishida sẽ nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng trật tự quốc tế dựa trên đối thoại. Ông Kishida còn được cho là sẽ thông báo kế hoạch hỗ trợ các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách cung cấp tàu tuần tra, xây dựng cơ sở vận tải biển và đầu tư vào nguồn nhân lực cần thiết.
Đặc biệt, vị thủ tướng sẽ kêu gọi các bên nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng tương tự như Ukraine xuất hiện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Quan hệ Mỹ - Trung vẫn là chủ đề chính
Theo giới chuyên gia, quan hệ Mỹ - Trung đã luôn là chủ đề chính của mỗi kỳ Đối thoại Shangri-La trong nhiều năm qua và lần này cũng không ngoại lệ.
Trong ngày đầu của Shangri-La, Bộ trưởng Austin sẽ có bài phát biểu với chủ đề “Những bước tiếp theo trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Ngụy sẽ khẳng định “Tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực”.
“Quan hệ hai siêu cường này rất kém vào năm 2019, năm cuối cùng Đối thoại được tổ chức trước khi có Covid-19, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chính sách thương mại chống Trung Quốc và có động thái nhắm vào Huawei”, ông Crabtree viết hôm 6/6 trên website của IISS.
Kể từ đó, quan hệ hai bên vẫn đi xuống. Những tháng qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mâu thuẫn về nhiều mặt, từ vấn đề Đài Loan tới Biển Đông, từ giao tranh Ukraine tới cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại các đảo quốc Thái Bình Dương, theo Reuters.
Dù vậy, hai bên được cho là sẽ dùng cơ hội hiếm hoi này để trao đổi về những bất đồng. Bên lề hội nghị, ông Austin và ông Ngụy dự kiến có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden vào nhiệm sở.
Trước thềm Shangri-La, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết mối tập trung của hai vị bộ trưởng sẽ là lập ra “lan can” trong quan hệ song phương để đảm bảo các vấn đề sẽ không gây ra hiểu nhầm hoặc truyền đạt sai. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ nhân cuộc gặp để trao đổi hợp tác với Washington.
Phó giáo sư Dylan Loh thuộc khoa Chính sách công và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng tuy khả năng Mỹ - Trung đạt kết quả thực chất trong cuộc gặp năm nay không cao, ông hy vọng đây sẽ là một bước tiến nhỏ trong tiến trình khôi phục sự liên lạc thường xuyên hơn giữa hai bên.
Bóng dáng Ukraine len lỏi
Kể từ khi xung đột vũ trang bất ngờ bùng nổ giữa lòng châu Âu, vấn đề Ukraine đã len lỏi vào nhiều sự kiện lớn của thế giới.
Tổng thống Ukraine cùng các thành viên trong nội các đã tận dụng gần như mọi cơ hội có thể để lên tiếng. Tiếng nói của ông Zelensky thậm chí vang lên giữa khu nghỉ dưỡng Davos tại Thụy Sĩ vào ngày 23/5, thời điểm nơi đây tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Đối thoại Shangri-La 2022 cũng không ngoại lệ. Ukraine sẽ cử phái đoàn tới tham dự sự kiện nhưng Nga thì không, Reuters dẫn một nguồn thạo tin về danh sách tham gia. Ngày 11/6, vị tổng thống Ukraine cũng có bài phát biểu đặc biệt qua hình thức trực tuyến tại Shangri-La.
Chiến sự tại Ukraine tới nay đã bước sang tháng thứ 4. Cuộc giao tranh này đã càng củng cố vị thế của Mỹ và Trung Quốc là lãnh đạo của hai khối địa chính trị đối đầu, ông Crabtree viết trên IISS.