Hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin: Quan trọng nhưng không quá kỳ vọng?
Cả Mỹ và Nga đều thận trọng hạ thấp những kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá ấn tượng nào khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sỹ vào ngày 16/6 tới.
Khi thông báo về Hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin, Nhà Trắng cho biết mục đích của Hội nghị là "khôi phục tính có thể dự đoán trước và sự ổn định của mối quan hệ Mỹ-Nga".
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ “thảo luận về tình trạng hiện nay và triển vọng của mối quan hệ song phương, các vấn đề ổn định chiến lược cũng như các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và giải quyết các cuộc xung đột khu vực”.
Những mục tiêu hạn chế này phản ánh thực tế là quan hệ giữa hai cường quốc đã xấu đi đáng kể, được cho là đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã cách đây 30 năm.
Bối cảnh không mấy dễ chịu
Gần đây nhất, những lo ngại của Mỹ về việc Nga tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử Mỹ đã khiến Washington áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga vào tháng Tư vừa qua, và dẫn tới việc trục xuất các nhà ngoại giao của nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng".
Trước đó, Moscow đã triệu hồi đại sứ của mình ở Washington sau khi Tổng thống Biden có những phát biểu tán thành đánh giá cho rằng ông Putin là "kẻ giết người". Washington cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Nga bỏ tù và ngược đãi nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny.
Mặt khác, việc Nga gần đây triển khai một lực lượng lớn binh sỹ tập trung dọc theo biên giới với Ukraine, đã làm gia tăng căng thẳng đáng kể.
Vấn đề có khả năng sẽ làm phức tạp các cuộc thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga sắp tới là sự kiện Belarus buộc một máy bay của hãng Ryanair hạ cánh nhằm bắt giữ một nhà hoạt động đối lập hôm 23/5 mà Moscow đã lên tiếng ủng hộ.
Trong bối cảnh không mấy dễ chịu này, dường như cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều không cho rằng sẽ có một sự thay đổi cơ bản trong mối quan hệ giữa hai bên tại cuộc gặp ở Geneva. Rõ ràng, ông Biden không có ý định “thiết lập lại” mối quan hệ với Nga, điều mà chính quyền Barack Obama từng nỗ lực vô ích.
Thay vào đó, các mục tiêu được hạn chế hơn. Như ông Biden đã nói sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hồi tháng Tư, mục tiêu sẽ là "bình thường hóa" các mối quan hệ và làm các mối quan hệ này trở nên ổn định và dễ dự đoán hơn.
Việc hai nước bình thường hóa quan hệ chắc chắn sẽ được hoan nghênh ở Moscow cũng như ở Washington.
Mặc dù những hành động không nhất quán của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga từng được gọi là "vận may bất ngờ" đối với Moscow, song Điện Kremlin cũng cảm thấy bối rối và lúng túng khi đối phó với Washington cũng như với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong 4 năm qua.
Thiết lập "các bộ đệm giảm xóc"
Để đạt được sự ổn định lớn hơn và tính dễ dự đoán hơn, hai bên cần có “các bộ đệm giảm xóc” để quản lý các mối quan hệ và hạn chế ảnh hưởng khi phát sinh các bất đồng trong tương lai. Những hàng rào an toàn giúp quan hệ Nga-Mỹ không bị chệch hướng phải bao gồm việc bảo đảm các kênh đối thoại cấp cao hiệu quả.
Điều này có nghĩa là những chủ thể chính ở Washington và Moscow cần phải hiểu rõ và có thể giải quyết thẳng thắn với nhau, từ đó giảm khả năng xảy ra hiểu lầm và tính toán sai lầm.
Tất nhiên, đối thoại không chỉ dừng ở cấp tổng thống. Điều quan trọng là thông báo về hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ngày 19/5, sau đó là cuộc tham vấn về ổn định chiến lược giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev hôm 24/5.
Dù vậy, điều quan trọng đối với an ninh toàn cầu là cả hai cường quốc phải tìm cách hợp tác với nhau trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung, trong đó bao gồm cả việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Việc Moscow và Washington nhất trí gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) thêm 5 năm hồi tháng 2 vừa qua là một ví dụ đáng khích lệ.
Những lĩnh vực khác có thể được hưởng lợi từ sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Nga bao gồm việc khôi phục hỏa thuận hạt nhân với Iran, được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA); nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc mở rộng khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu; và hành động toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành rút các lực lượng ra khỏi Afghanistan, cả Washington và Moscow đều quan tâm đến sự ổn định trong tương lai của quốc gia này (mặc dù hai bên có thể có quan điểm khác nhau về cách tốt nhất để đạt được điều này).
Ngoài ra, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể được giải quyết tốt hơn nhờ vào sự hợp tác Mỹ-Nga.
Ở Nga, Điện Kremlin chắc chắn sẽ mô tả cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là một “chiến thắng”.
Về mặt biểu tượng, hội nghị này phù hợp với mong muốn của Tổng thống Putin rằng Nga cần phải được đối xử như một cường quốc trên bình diện quốc tế. Trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi Nga là “cường quốc khu vực” đã hạ thấp đáng kể vị thế mà Moscow tự nhận thức về mình.
Ở Mỹ, việc ông Biden quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Putin đã vấp phải một số chỉ trích, bao gồm cả từ các nghị sĩ trong Quốc hội. Họ cho rằng điều này là quá nhân nhượng với Moscow.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden và chính quyền của ông không phải là những người thích trả cái giá cao hơn thực tế. Chính quyền ông Biden dù có quan điểm cứng rắn với Nga, những cũng nhận thức một cách đúng đắn rằng cần có các động thái tiếp cận mang tính thực dụng và nhạy bén.
Và đối thoại không có nghĩa là chấp thuận.
Mối quan hệ song phương ở giai đoạn xấu, những lo ngại ở phương Tây về Nga, cùng tình hình quốc tế bất ổn ở quy mô rộng hơn đã khiến cho cuộc gặp Biden-Putin thêm phần quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh này mang đến một cơ hội hữu ích để hai bên giải quyết những mâu thuẫn, hy vọng làm giảm căng thẳng song phương và khám phá các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác (tuy nhiên bị hạn chế về quy mô) để cùng được hưởng lợi và củng cố an ninh toàn cầu.
(theo Lowy Institute)