Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 liệu có gắn kết được sự chia rẽ?
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày mai (22/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thuyết phục các nước sản xuất vắc xin cân bằng nhu cầu trong nước, để phân phối cho những người nghèo tại các quốc gia đang phát triển.
Covax, chương trình phân phố vắc xin do Liên Hợp Quốc tổ chức đã chậm tiến độ so với kế hoạch, thậm chí không đến 10% dân số ở các quốc gia nghèo - và chưa đến 4% dân số châu Phi - được tiêm chủng đầy đủ. Hàng triệu nhân viên y tế trên khắp thế giới vẫn chưa được tiêm phòng.
Các quốc gia đang chia rẽ trong việc phân phối và sản xuất vắc xin Covid-19 trên toàn cầu - Ảnh: Getty
Tuy nhiên, việc Tổng thống Biden có thể thuyết phục các quốc gia khác làm theo kế hoạch trên lại không có gì đảm bảo. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng trước, ngay cả các quốc gia đồng minh của họ cũng lên án. Ngay cả về vấn đề vắc xin, các nhà lãnh đạo trên thế giới và các tổ chức y tế cũng cho rằng ông Biden chưa thực hiện đúng cam kết của mình.
Thậm chí, chính Mỹ còn đang tiến hành thực hiện chiến dịch mũi tiêm thứ ba cho hàng triệu người dân, bất chấp những lời chỉ trích từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, các liều vắc xin này nên được dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai sẽ là cuộc họp lớn nhất giữa các nguyên thủ quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19. Hội nghị này nhằm mục đích khuyến khích các nhà sản xuất dược phẩm, các nhà từ thiện và các tổ chức phi chính phủ cùng hợp tác để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào thời điểm Đại hội đồng Liên hợp quốc họp vào tháng 9 năm sau.
Ông Biden từng nói hồi đầu tháng này rằng: “Chúng tôi cũng biết loại virus này đã vượt qua biên giới. Đó là lý do tại sao, chúng tôi thực hiện chiến dịch chống Covid-19 ở cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Mỹ sẽ tiếp tục là kho chứa vắc xin của thế giới. Đó là vai trò lãnh đạo của Mỹ trên phạm vi toàn cầu”.
Các chuyên gia ước tính rằng 11 tỷ liều là cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch rộng rãi trên toàn cầu. Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 600 triệu, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Ngoài ra, Nhà Trắng đang đàm phán để mua 500 triệu liều thuốc khác từ Pfizer để quyên góp cho các quốc gia khác. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia đặt mục tiêu xuất khẩu 700 triệu liều thuốc vào cuối năm nay.
Nhưng đến tháng 7 vừa rồi, chỉ có 37% người dân Nam Mỹ và 26% ở châu Á đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, theo Tiến sĩ Rajiv J. Shah, người đứng đầu Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ trong chính quyền Obama trước đây. Trong bài viết của ông trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng trước, con số này chỉ là 3% ở châu Phi.
Nhà Trắng cho biết Mỹ đã mua 500 triệu liều vaccine Covid-19 để tặng các nước nghèo - Ảnh: AFP
Tiến sĩ Kate O'Brien, chuyên gia về vắc xin hàng đầu của WHO cho biết, với tình hình phân phối chậm chạp hiện nay, “chúng ta còn rất xa” mới có thể tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm tới.
Khoảng cách ngày càng tăng giữa những người có vắc xin và những nước không đang dẫn đến sự rạn nứt giữa các quốc gia giàu có và hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới.
Hơn 100 quốc gia thu nhập thấp đang hy vọng rằng, hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai sẽ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản xuất vắc xin Covid-19, để chúng có thể được sản xuất ở nhiều nơi hơn trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển.
Phần lớn lượng vắc xin của thế giới đang được sản xuất ở châu Âu - bao gồm Pfizer ở Đức và AstraZeneca ở Anh. Các nước này đang đã bị cáo buộc đặt lợi nhuận lên trước việc đẩy lùi đại dịch.
EU vừa một lần nữa phản đối kế hoạch từ bỏ quyền sở hữu vắc xin tại cuộc họp kín của Tổ chức Thương mại thế giới vào tuần trước ở Geneva. Các quốc gia giàu lập luận rằng việc miễn trừ này không giải quyết được vấn đề, vì hầu hết các nước đang phát triển thiếu công nghệ hoặc khả năng khác để sản xuất vắc xin Covid-19.
Hoàng Huy (Theo Straitstimes)