Hội nghị thượng đỉnh G20: Brazil huy động 9.000 nhân viên an ninh, Nam Phi gửi gắm kỳ vọng
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Brazil từ ngày 18-19/11. Các công tác chuẩn bị của nước chủ nhà hiện đã đến những giai đoạn cuối cùng.
Ngày 13/11, hãng tin UNI của Ấn Độ cho hay, chính phủ Brazil ra thông báo nêu rõ sẽ huy động 9.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an ninh trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20.
Dự kiến sẽ có khoảng 60 đoàn nước ngoài, bao gồm hơn 40 nguyên thủ quốc gia và quan chức hàng đầu sẽ đến Rio de Janeiro, Brazil, để tham dự hội nghị.
Trước đó, ngày 29/10, quan chức an ninh của Brazil cho biết, nhân viên an ninh thuộc lực lượng vũ trang nước này sẽ được huy động để đảm bảo an ninh tại thành phố Rio de Janeiro.
Các nhiệm vụ sẽ bao gồm hộ tống các đoàn, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, tuần tra đường bộ và các khu vực trọng điểm, tiến hành các hoạt động chống khủng bố, khả năng tác chiến điện tử, đảm bảo phòng thủ mạng, triển khai các biện pháp phòng không, bảo vệ trước nguy cơ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và cung cấp phòng thủ phóng xạ, hóa-sinh học và hạt nhân.
Lực lượng Hải quân sẽ đảm bảo an ninh hàng hải bằng cách kiểm soát quyền tiếp cận các cảng của thành phố Rio de Janeiro, bảo vệ các khu vực ven biển, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và hỗ trợ các hoạt động trên đất liền.
Không quân sẽ giám sát và đảm bảo an ninh không phận tại các nhà ga ở sân bay cũng như dọc theo các tuyến đường và khu vực xung quanh sân bay Galeão và Santos Dumont.
Theo trang web chính thức của G20, trọng tâm các cuộc thảo luận tại G20 lần này sẽ là cải cách thể chế quản trị toàn cầu, thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua việc tạo cơ hội cho người nghèo và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm tái thiết và củng cố hệ thống đa phương, bắt nguồn từ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, với các thể chế đổi mới và một nền quản trị được cải cách mang tính đại diện hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn, phản ánh thực tế xã hội, kinh tế và chính trị của thế kỷ XXI.
Trước thềm hội nghị, ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Hợp tác quốc tế Nam Phi Ronald Lamola cho biết, nước này kỳ vọng Thượng đỉnh G20 năm nay sẽ củng cố chủ nghĩa đa phương và cải cách các thể chế quản trị toàn cầu bằng cách phê duyệt các thỏa thuận đã đàm phán trong suốt cả năm cũng như đưa ra cách thức giải quyết các thách thức toàn cầu.
Quan chức Nam Phi cũng đánh giá, nước này đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ một trong những ưu tiên hàng đầu của nước chủ nhà về cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.
Theo ông Lamola, Nam Phi coi G20 là một phương tiện quan trọng để thúc đẩy nguyện vọng của các nước đang phát triển và các ưu tiên phát triển của châu Phi nói riêng.
Theo kế hoạch, Nam Phi sẽ đảm nhận chức Chủ tịch G20 vào ngày 1/12 tới và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào năm 2025.