Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ - phép thử độ cứng của kim cương

Quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Mỹ cho thấy quyết tâm của 'Bộ Tứ kim cương' thúc đẩy cơ chế hợp tác này, đồng thời cũng để xoa dịu sự hoài nghi mỗi thành viên đang theo đuổi lợi ích riêng.

(Từ trái sang) Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5/2022. (Ảnh: ANI/TTXVN)

(Từ trái sang) Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5/2022. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ tư của các nhà lãnh đạo nhóm “Bộ Tứ kim cương” (nhóm QUAD) tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ) vào ngày 21/9 với sự tham dự của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Biden đón tiếp các nhà lãnh đạo Bộ Tứ tại thành phố Wilmington - nơi có nhà riêng của ông.

Động thái này được nhìn nhận đã phản ánh cách tiếp cận ngoại giao cũng như mối quan hệ cá nhân sâu sắc của đương kim tổng thống Mỹ với từng nhà lãnh đạo, thể hiện cam kết vững chắc trong việc duy trì và củng cố các liên minh của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như tầm quan trọng của nhóm đối với 4 nước thành viên.

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ năm 2024 sẽ tập trung vào việc củng cố quan hệ, tăng cường hội tụ chiến lược giữa các nước thành viên, thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như mang lại lợi ích cụ thể cho các đối tác ở khu vực trong các lĩnh vực an ninh y tế, ứng phó thiên tai, an ninh hàng hải, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, công nghệ quan trọng và mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch, an ninh mạng.

Bình luận về vấn đề này, nhà báo Ashish Dangwal của tờ Eurasian Times cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực hết sức để tăng cường và thể chế hóa Bộ Tứ, tập trung vào việc làm sâu sắc hơn hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Một trong những thỏa thuận đáng chú ý tại hội nghị thượng đỉnh lần này là việc triển khai sáng kiến tuần tra hàng hải chung.

Có tin cho biết sứ mệnh đầu tiên sẽ được bắt đầu vào năm tới, với sự tham gia của lực lượng bảo vệ bờ biển các nước Nhật Bản, Australia và Ấn Độ với tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ. Các cuộc tuần tra sẽ diễn ra liên tục theo cơ chế luân phiên.

Nhà phân tích địa chính trị Shashank S. Patel cho rằng trên thực tế, hoạt động tuần tra chung đã được lên kế hoạch từ Hội nghị thượng đỉnh Tokyo năm 2022, nơi các nhà lãnh đạo Bộ Tứ giới thiệu sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhận thức lĩnh vực hàng hải” (IPMDA) nhằm nâng cao nhận thức hàng hải trong khu vực thông qua công nghệ, chia sẻ thông tin và hỗ trợ tài chính. Tất cả các bên đã nhất trí thực hiện cam kết trong 5 năm. Tuy nhiên, theo ông, việc triển khai tuần tra chung đã bị trì hoãn trong 2 năm qua và hiện là lúc cần phải được “hồi sinh.”

Chuyên gia này gợi ý áp dụng các ranh giới biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiên quyết ngăn chặn các hành động khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên biển.

Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ 2024 cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác ngoài hợp tác hàng hải. Một sáng kiến đáng chú ý là triển khai cơ sở hạ tầng truyền thông mới ở Thái Bình Dương, được gọi là Mạng truy cập vô tuyến mở (Open RAN).

Công nghệ này được thiết kế để giảm sự phụ thuộc vào các công ty cụ thể và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Bà Kathryn Paik - thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - lưu ý rằng Bộ Tứ là một trong những nhóm khá hiếm hoi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Mỹ. Vì vậy, xét từ quan điểm của Washington, mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh năm 2024 là để thể chế hóa mô hình hợp tác này hơn nữa, đồng thời trấn an các đối tác khác về quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì nhóm.

Về an ninh hàng hải, chuyên gia phân tích Paik hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ đề cập đến IPMDA, hợp tác chung nhiều hơn nữa ở Biển Đông.

Ngoài ra, Bộ Tứ cũng có thể xem xét các vấn đề như cơ sở hạ tầng - đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); các sáng kiến “Học bổng Bộ Tứ” - vốn được coi là một trong những “quyền lực mềm” của nhóm.

Trong khi đó, ông Gracelin Baskaran - Giám đốc Dự án CSIS về An ninh khoáng sản quan trọng và là thành viên cấp cao của Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu – nhận định rằng với những lợi thế so sánh bổ sung cho nhau, một trong những mục tiêu chính hợp tác Bộ Tứ là xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững bởi đó là nền tảng của an ninh công nghệ và năng lượng quốc gia.

Cụ thể, có 4 lĩnh vực hợp tác là chia sẻ tài nguyên và thăm dò chung; hợp tác nghiên cứu và phát triển, khai thác, chế biến và tái chế; đồng tài trợ cho các cơ sở chế biến; và phát triển kho dự trữ khoáng sản chiến lược tại các quốc gia thành viên của nhóm Bộ Tứ.

Tuy nhiên, thời điểm diễn ra hội nghị này đang khiến dư luận đặt câu hỏi về trọng tâm của Bộ Tứ, khi ít nhất 2 trong số 4 nhà lãnh đạo sẽ sớm rời nhiệm sở là Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Joe Biden.

 (Từ trái sang) Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5/2022. (Ảnh: ANI/TTXVN)

(Từ trái sang) Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5/2022. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không tái tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử ngày 27/9 tới, đồng nghĩa ông sẽ thôi chức thủ tướng, trong khi nước Mỹ sẽ bầu tổng thống mới vào đầu tháng 11.

Giới quan sát cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Delaware có thể sẽ đưa ra một chương trình nghị sự "lỗi thời" khi Mỹ và Nhật Bản có lãnh đạo mới.

Hơn nữa, việc liên tiếp 2 hội nghị thượng đỉnh từng được lên kế hoạch gần đây của Bộ Tứ, một hội nghị dự kiến tổ chức tại Sydney vào năm ngoái, một đáng lẽ diễn ra hồi tháng 1/2024 tại New Delhi, đều bị hủy do các nước thành viên có những ưu tiên khác, cũng làm dấy lên nhiều hoài nghi, rằng hội nghị ở Delaware chỉ mang tính hình thức, là nghi lễ để "nói lời tạm biệt" với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản.

Bên cạnh đó, như nhận định của Tiến sỹ Gaurav Saini - đồng sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New Delhi, đồng thời là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, chính trị quốc tế và các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặc dù các tuyên bố của Bộ Tứ thường nhấn mạnh đến một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song ngay trong Bộ Tứ cũng có những cách diễn giải trật tự dựa trên luật lệ một cách khác nhau, ví dụ “Tầm nhìn của Ấn Độ về trật tự dựa trên luật lệ” khác với phiên bản của Australia và Nhật Bản.

Điểm khác biệt rõ ràng nhất là việc nhấn mạnh rằng trật tự không những phải “tự do và cởi mở” mà còn phải “công bằng” và “bao trùm.”

Thực tế là bốn đối tác trong nhóm Bộ Tứ đang thể hiện cách tiếp cận khác nhau trong nhiều vấn đề quốc tế nóng, từ xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng Trung Đông tới các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, việc tổ chức hội nghị cho thấy Tổng thống Mỹ Biden và các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu bảo đảm tương lai của cơ chế hợp tác này. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, "mặc dù là nền tảng cho di sản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Biden, nhưng Bộ Tứ đang trở thành một thể chế sẽ tiếp tục định hình bối cảnh địa chính trị của khu vực."

Bộ Tứ kim cương ra đời từ ý tưởng của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về việc xây dựng “viên kim cương an ninh dân chủ” bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Mỹ cho thấy quyết tâm của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ thúc đẩy cơ chế hợp tác này, đồng thời cũng để xoa dịu những người còn hoài nghi cho rằng mỗi thành viên đang theo đuổi lợi ích riêng thay vì thúc đẩy cơ chế chung.

Kết quả của hội nghị sẽ là phép thử đối với "độ cứng" của "viên kim cương an ninh dân chủ" này. Tính vững chắc của "Bộ Tứ kim cương" chỉ có thể được tăng cường khi các thành viên thể hiện quyết tâm và mục tiêu chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-nhom-bo-tu-phep-thu-do-cung-cua-kim-cuong-post978018.vnp