Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn đạt được nhiều cam kết quan trọng
Lãnh đạo ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí nối lại toàn diện hợp tác giữa ba nước, đồng thời đạt được nhiều cam kết quan trọng khác tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên diễn ra sáng 27.5, diễn ra sau 4 năm gián đoạn.
Thúc đẩy hợp tác và chủ nghĩa đa phương
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi ba nước nêu cao tinh thần tự chủ chiến lược, duy trì quan hệ, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thế giới đa cực. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên coi nhau là đối tác và cơ hội phát triển, đồng thời duy trì toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do. Ông phản đối việc biến các vấn đề kinh tế và thương mại thành vũ khí chính trị hoặc an ninh, đồng thời bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ cũng như việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông cũng cho rằng ba nước nên xử lý đúng đắn các vấn đề khác biệt nhạy cảm, đồng thời quan tâm đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau.
Ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Tại hội nghị, lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã tái khẳng định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên phục vụ “lợi ích chung” của ba nước.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida, cả trong cuộc gặp ba bên và cuộc họp báo chung sau đó tại Cheong Wa Dae, đều bày tỏ quan ngại về các hành động khiêu khích, đề cập tới thông báo của Bình Nhưỡng cùng ngày về việc phóng một vệ tinh không gian mới, Yonhap và Kyodo News cùng đưa tin. “Để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực, phục vụ lợi ích chung cho cả ba nước, điều quan trọng là đạt được một bán đảo Triều Tiên tự do, hòa bình và thống nhất”, ông Yoon nói với các phóng viên sau hội nghị. Ông cho rằng, với tư cách là thành viên tích cực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ba nước có thể đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu bằng cách thu thập trí tuệ và sức mạnh khi đối mặt với căng thẳng địa chính trị”.
Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tin rằng tất cả các bên nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực này. Lưu ý rằng tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng, ông Lý Cường cho rằng tất cả các bên nên cam kết xoa dịu tình hình và sớm bắt đầu nối lại đối thoại.
Nối lại đàm phán FTA, hợp tác về môi trường, giao lưu văn hóa
Ba nước nhất trí nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên thường niên vốn đã bị đình trệ do bất ổn trong quan hệ ba nước cùng với đại dịch Covid-19, với nước chủ trì luân phiên tiếp theo là Tokyo vào năm 2025.
Về mặt kinh tế, ba nhà lãnh đạo mong muốn nối lại đàm phán hướng tới việc ký kết hiệp định thương mại tự do ba bên, vốn đã bị đình trệ vào đầu năm 2020 do đại dịch Covid-19.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí triển khai các dự án nhằm trao đổi nhân dân; ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững; hợp tác kinh tế và thương mại; sức khỏe cộng đồng và xã hội già hóa; chuyển đổi kỹ thuật số; và cứu trợ và an toàn thiên tai.
Hợp tác khu vực trong và gần Đông Á cũng sẽ được phát huy, trên nền tảng của mối quan hệ ba bên. Ba nước nhất trí giải quyết các vấn đề phát sinh từ bụi mịn và bão cát bắt nguồn từ sa mạc Mông Cổ, nước láng giềng của Trung Quốc.
Ba nước cũng nhất trí chỉ định năm 2025 và 2026 là năm trao đổi văn hóa giữa ba nước, với hy vọng sẽ có tổng cộng 40 triệu người được trao đổi vì mục đích văn hóa, du lịch và giáo dục vào năm 2030.