Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU: Thiếu vắng thiện chí và động lực
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU đã diễn ra trong không khí tương đối gượng gạo nếu không muốn nói là căng thẳng, trong bối cảnh cả hai bên đang tồn tại những bất đồng sâu sắc, bên cạnh những lợi ích chồng chéo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào sáng 24/7. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào sáng 24/7. Kỳ vọng dành cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên, đã xuống rất thấp sau nhiều tuần căng thẳng leo thang và những bất đồng về hình thức tổ chức, với thời lượng đột ngột bị giảm từ hai ngày xuống còn một ngày theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Thách thức của EU không đến từ Trung Quốc
Phát biểu với các quan chức hàng đầu của EU, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi liên minh lá cờ xanh "xử lý đúng đắn những khác biệt và bất đồng".
"Trước những thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong một thế kỷ và bối cảnh quốc tế đầy biến động, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU phải một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược và trách nhiệm, đưa ra những lựa chọn chiến lược đúng đắn đáp ứng được kỳ vọng của người dân và vượt qua được thử thách của lịch sử".
Không trực tiếp đề cập đến cuộc chiến thương mại của Mỹ, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng cả Trung Quốc và EU đều là “những lực lượng xây dựng ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chủ trương cởi mở và hợp tác”.
Ông Tập Cận Bình trích dẫn phát biểu rằng: "Tình hình quốc tế càng nghiêm trọng và phức tạp thì Trung Quốc và EU càng cần tăng cường trao đổi, nâng cao lòng tin lẫn nhau và hợp tác sâu sắc hơn để mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho thế giới thông qua mối quan hệ ổn định và lành mạnh giữa Trung Quốc và EU".
"Những thách thức hiện tại mà châu Âu đang phải đối mặt không đến từ Trung Quốc", ông Tập Cận Bình phát biểu với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa; đồng thời thúc giục EU "tuân thủ hợp tác cởi mở và xử lý đúng đắn những khác biệt và bất đồng", sau khi Chủ tịch EC von der Leyen kêu gọi tái cân bằng quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình nói thêm rằng: "Việc cải thiện khả năng cạnh tranh không thể dựa vào việc “dựng lên những rào cản, những pháo đài”. “Tách rời kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ dẫn đến sự cô lập", ông lưu ý.
"Chúng tôi hy vọng rằng phía châu Âu sẽ giữ cho thị trường thương mại và đầu tư mở cửa và không sử dụng các công cụ hạn chế kinh tế và thương mại", ông Tập Cận Bình nói.
Mối quan hệ Trung Quốc - EU đang ở “khúc quanh”
Về phần mình, Chủ tịch EC Von der Leyen không ngần ngại bày tỏ mối lo ngại về bất bình đẳng trong quan hệ giữa hai bên. Bà phàn nàn rằng mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc, với thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc tăng vọt lên mức kỷ lục 305,8 tỷ euro (360 tỷ USD) vào năm ngoái - đã đạt đến "khúc quanh".
“Khi hợp tác của chúng ta ngày càng sâu sắc, sự mất cân bằng cũng tăng theo”, bà nói. “Việc tái cân bằng quan hệ song phương là điều cần thiết… Điều quan trọng là Trung Quốc và châu Âu phải thừa nhận những lo ngại của nhau và đưa ra những giải pháp thực sự”, bà nhấn mạnh.
Rạn nứt ngày càng sâu sắc
Trong những tuần gần đây, các quan chức đã liên tục bày tỏ lo ngại về cái mà họ cho là hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang "tràn ngập" thị trường châu Âu, động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm siết chặt chuỗi cung ứng đất hiếm, và việc nước này tiếp tục ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước những lo ngại đó, bao gồm động thái tăng thuế đối với xe điện của khối 27 thành viên vào năm ngoái, đồng thời tiến hành một loạt cuộc điều tra thương mại riêng nhằm trả đũa.
Sau khi EU tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu công khai các thiết bị y tế có giá trị vượt quá một mức nhất định, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách hạn chế việc Chính phủ mua các thiết bị do châu Âu sản xuất.
Vào ngày 24/7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi EU duy trì thị trường thương mại và đầu tư mở, “kiềm chế” trong việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại và kinh tế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hoạt động tại châu Âu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chỉ trích quyết định của EU khi đưa hai ngân hàng Trung Quốc và một số công ty khác vào danh sách trừng phạt mới nhất của khối này với lý do các ngân hàng này hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine. Bộ này cho rằng động thái này sẽ "tác động tiêu cực nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU". Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào đã gửi đơn kiến nghị long trọng - ngôn ngữ ngoại giao để bày tỏ sự bất bình nghiêm trọng một cách chính thức - về các lệnh trừng phạt trong cuộc gọi video với người đứng đầu thương mại EU Maros Sefcovic.
Mối quan hệ thiếu đi động lực
Cuộc chiến thuế quan của Mỹ và các cuộc đàm phán của ông với cả hai nền kinh tế lớn cũng đang phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh.
Đầu năm nay, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hy vọng rằng khó khăn chung trước các mối đe dọa áp thuế từ Mỹ có thể thúc đẩy Trung Quốc và châu Âu xích lại gần nhau hơn.
Nhưng trong các bài phát biểu riêng biệt trước các nhà lãnh đạo G7 và các nhà lập pháp châu Âu trong những tuần gần đây, bà von der Leyen đã nói rõ rằng, những lo ngại sâu sắc về Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết. Phát biểu tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 ở Canada vào tháng 6, bà Von der Leyen nói rằng: "Trung Quốc đang lợi dụng thế độc quyền về đất hiếm không chỉ như một con bài mặc cả mà còn biến nó thành vũ khí để làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh trong các ngành công nghiệp quan trọng".
Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát rộng rãi chuỗi cung ứng các khoáng sản thiết yếu này, vốn đóng vai trò then chốt trong mọi thứ, từ pin xe điện, điện thoại di động đến máy bay chiến đấu. Chính quyền Bắc Kinh đã gây chấn động ngành sản xuất toàn cầu sau khi áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản này vào tháng 4 trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Trung Quốc đã đồng ý nới lỏng các biện pháp kiểm soát này trong một thỏa thuận đình chiến với Mỹ vào tháng 6.
Bà von der Leyen cũng kêu gọi G7 hành động thống nhất để gây sức ép lên Bắc Kinh vì nước này "làm tràn ngập thị trường toàn cầu bằng tình trạng dư thừa năng lực sản xuất được trợ cấp mà thị trường của chính họ không thể hấp thụ được".
Theo Cui Hongjian, Giáo sư chính sách đối ngoại tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả Trung Quốc và EU đã tỏ ra đồng thuận hơn trong hợp tác giải quyết các thách thức thương mại. “Nhưng gần đây tình hình đã thay đổi", ông Cui Hongjian nói. "EU vẫn tiếp tục thỏa hiệp với Mỹ, điều này có nghĩa là hiện tại không có động lực để thắt chặt quan hệ EU - Trung Quốc”.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 25 sẽ kết thúc trong một ngày thay vì 2 ngày như kế hoạch ban đầu. Hai quan chức EU đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngay sau khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cả hai bên hy vọng sẽ đạt được một tuyên bố chung về khí hậu, hiện là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong hợp tác giữa hai bên.