Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN 2020: Đối tác công - tư: Công thức vượt khủng hoảng
Covid-19 làm đứt gãy chuỗi giá trị, đe dọa sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp, nhưng lại đang đưa Chính phủ và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp xích lại gần hơn.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và các doanh nghiệp đoạt Giải Doanh nghiệp ASEAN năm 2020. Ảnh: Chí Cường
Sự xích lại giữa Chính phủ và doanh nghiệp
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp hãy đến Việt Nam!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy trước khi kết thúc bài phát biểu với cộng đồng kinh doanh, nhà đầu tư ASEAN tại ASEAN BIS 2020.
Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch COVID-19, triển khai kế hoạch phục hồi tổng thể để bảo đảm phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn...
“Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN, tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị; công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng dự ASEAN BIS 2020 với hơn 2.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư qua kênh trực tuyến còn có Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Australia… Cũng có nghĩa, những thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sẽ được những người đồng cấp chia sẻ.
Trong bài phát biểu với cộng đồng kinh doanh ASEAN ngay sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhắc tới cam kết tham gia thúc đẩy phục hồi chung toàn cầu, động viên doanh nghiệp lớn hợp tác cùng nhau và cùng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển…
Cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được nhắc tới với nhiều kỳ vọng.
Phải nói thêm, trước bài phát biểu của Thủ tướng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch ASEAN BIS 2020 đã gửi tới các Chính phủ những đề xuất cụ thể. Ngoài chương trình cứu trợ và tái thiết chung, ASEAN BIS 2020 đề nghị các Chính phủ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Các biện pháp hỗ trợ cho các lĩnh vực nhiều tiềm năng, nhưng gặp khó khăn tạm thời như hàng không, du lịch, khách sạn... cũng được đề nghị triển khai ngay. Sáng kiến thành lập mạng lưới khởi nghiệp ASEAN cũng đã được đưa ra. “Chúng tôi mong được các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác đối thoại ủng hộ”, ông Lộc nói.
Chưa bao giờ, sự chung tay giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp lại cần thiết như lúc này. Đối tác công - tư đang được nhắc đến là công thức vượt khủng hoảng của cả doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Bài học về kỷ luật và sự thích ứng
Tại Phiên thảo luận về Triển vọng kinh tế ASEAN, trên sân khấu lớn dành cho 5 diễn giả theo lịch trình, duy nhất có một chiếc ghế. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, thành viên của ASEAN BAC Việt Nam là người ngồi ở đó. Diễn giả khác và cả người điều phối đến từ Kênh NewsAsia đều không thể có mặt.
“Tôi không muốn ngồi một mình, nhưng rồi đã ngồi đây. Các diễn giả khác buộc phải làm việc online. Đó là tính kỷ luật và sự thích ứng trong bối cảnh đặc biệt mà cả Chính phủ và doanh nghiệp muốn vượt lên buộc phải có”, bà Nga chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp, cũng để lý giải một phần lý do thành công của Việt Nam khi giữ được mức tăng trưởng dương trong năm nay.
Tất nhiên, không dễ để thực hiện được điều này. Covid-19 đang thách thức từng Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân theo những cách chưa từng thấy. Những dự báo về kinh tế toàn cầu vẫn khá ảm đạm. Nhưng, mối quan tâm chính của các doanh nghiệp luôn là làm thế nào để quay trở lại, không chỉ phục hồi, mà còn phát triển được.
“Lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về “một ASEAN” với tầm nhìn trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Chúng tôi cũng muốn bàn đến một ASEAN - một khối đủ sức cạnh tranh với những khu vực khác”, bà Nga hiến kế.
Trong bài toán này, để nắm bắt xu hướng chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư nước ngoài mà ASEAN là một điểm đến, theo bà Nga, có thể thiết kế chính sách thu hút đầu tư liên khối, tránh cạnh tranh nội bộ.
“Cần xây dựng chuỗi cung ứng theo hướng công dân ASEAN vừa là người lao động, vừa là khách hàng, để đạt được mục tiêu cải thiện trình độ, thu nhập của người lao động. Doanh nghiệp tùy thế mạnh sẽ tham gia, như doanh nghiệp logistics sẽ liên kết, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu… ”, bà Nga khuyến nghị.
Cùng với đó, yêu cầu về cấu trúc lại hoạt động, tiết giảm chi phí cũng như tìm kiếm cơ trong nguy cũng được bàn tới.
Rõ ràng, khi chung thách thức từ Covid 19, quan niệm về hợp tác, liên kết và cạnh tranh đã thay đổi rất nhiều... .n
Đặc biệt, Covid-19 cho thấy rõ điểm yếu và cả cơ hội, biến mục tiêu phát triển bao trùm, chuyển đổi số từ mục tiêu thành xu hướng tất yếu.
“Điều này đòi hỏi từng người, từng doanh nghiệp và cả Chính phủ phải nhìn khác, nghĩ khác, hành động khác để tìm cơ hội mới”, ông Robert E. Moritz, Chủ tịch PWC nhấn mạnh.