Hội nghị toàn quốc đầu tiên của các cơ quan nội chính
Chủ trì ở đầu cầu hội trường Bộ Quốc phòng là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ba lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Hôm nay (15-9), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc đầu tiên của các cơ quan nội chính.
Công tác nội chính hiện được hiểu là tổng hợp các công tác thuộc về nhiệm vụ trọng yếu nhất của các cơ quan quốc phòng, công an, tòa án, kiểm sát, tư pháp, thanh tra, cùng hai cơ quan có liên quan là kiểm tra, kiểm toán. Các cơ quan này, trừ Kiểm toán Nhà nước, được tổ chức cả ở trung ương - dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và địa phương - tương ứng là Ban Thường vụ cấp ủy. Tham mưu tổng hợp nhất về công tác này là Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính thuộc các tỉnh, Thành ủy. Ban Nội chính trong cơ cấu ấy cũng là một cơ quan nội chính.
Nội chính không chỉ là phòng chống tham nhũng
Quan trọng là vậy nhưng hệ thống cơ quan nội chính Đảng, nhất là Ban Nội chính Trung ương đã có thời gian bị giải thể, phần nhập vào Văn phòng Trung ương, phần tổ chức lại thành văn phòng của hai ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và về cải cách tư pháp. Tổ chức này chỉ được tái lập sau Đại hội XI, khi tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc ấy kiên quyết bảo vệ quan điểm về việc Trung ương Đảng cần có cơ quan tham mưu về nội chính (Ban Nội chính Trung ương), về kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương).
Nhưng Ban Nội chính Trung ương từ khi tái lập theo Quyết định 158-QĐ/TW của Bộ Chính trị vào tháng 12-2012 đến nay, hoạt động nổi bật nhất chủ yếu ở vị trí cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Còn phần nhiệm vụ nội chính, là yêu cầu đặt ra từ khi mới ra đời dưới tên Ban Pháp chế Trung ương, theo Nghị quyết 133/NQ-TW của Bộ Chính trị, tháng 1-1966, thì xem ra còn chưa nổi bật lắm.
Chính vì vậy, Hội nghị toàn quốc đầu tiên của các cơ quan nội chính, nội dung chính là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào công tác nội chính nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa quan trọng với các cơ quan nội chính nói chung, đặc biệt là ngành nội chính Đảng.
Ý nghĩa quan trọng ấy có thể cảm nhận qua quy mô, thành phần tham dự hội nghị.
Chủ trì ở đầu cầu Hội trường Bộ Quốc phòng là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ba lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Qua hệ thống trực tuyến của quân đội, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm chủ trì phòng họp đầu cầu của mình. Ngoài ra, tín hiệu được kết nối tới các quân khu, quân chủng, binh chủng, bộ tư lệnh và đơn vị quân đội tương đương để toàn quân dự cuộc họp quan trọng này.
Về thành phần dự họp, theo yêu cầu sẽ có đầy đủ 23 ủy viên Bộ Chính trị; Ban bí thư; các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban đảng; Đảng ủy khối; MTTQ; đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương; các ủy ban của Quốc hội; các bộ, cơ quan ngang bộ.
Với các cơ quan khối nội chính và cơ quan có liên quan ở trung ương, thành phần dự họp tương tự như cơ cấu hội nghị lãnh đạo mở rộng, tức gồm tập thể lãnh đạo cơ quan và các thủ trưởng đơn vị cấp vụ.
Đợi chờ thông điệp của Tổng bí thư
Tại hội nghị nội chính quy mô chưa có tiền lệ này, dự kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng, có tính chất truyền đi thông điệp của người đứng đầu Đảng về những vấn đề cần đặc biệt quan tâm về công tác nội chính, ít nhất là trong năm năm tới.
Đây sẽ là nội dung được đón đợi nếu đặt trong hệ thống các bài viết, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sau Đại hội XIII đến nay. Trong số này, quan trọng nhất có lẽ là bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, công bố ngày 15-5, trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tiếp theo là bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 20-7; rồi bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 11-8; và gần đây nhất là phát biểu tại Hội nghị MTTQ Việt Nam, ngày 16-8.