Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay
Sáng nay (9-11), tại điểm cầu Bình Phước, lãnh đạo Sở Tư pháp cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế do Bộ Tư pháp tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Công ước La Hay là công cụ pháp lý quốc tế với 98 quốc gia thành viên, điều chỉnh một cách toàn diện về nguyên tắc, yêu cầu đối với việc nuôi con nuôi quốc tế để đảm bảo nuôi con nuôi quốc tế được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, việc thực thi chế định nuôi con nuôi ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập. Điều này đặt ra cho Việt Nam phải có đánh giá toàn diện thực trạng công tác giải quyết nuôi con nuôi trong thời gian qua.
Đánh giá về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, lại nhu cầu được nhận làm con nuôi đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng, quyền Cục trưởng Cục con nuôi (Bộ Tư pháp) Đặng Trần Anh Tuấn cho biết: Công tác giải quyết nuôi con nuôi quốc tế nhìn chung được thực hiện đúng quy định pháp luật. Việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài đối với trẻ em thuộc diện có nhu cầu chăm sóc đặc biệt được thực hiện bài bản, dần tiếp cận trình tự thủ tục theo Công ước La Hay.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Công an đánh giá về công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏi rơi được cho làm con nuôi và công tác cấp phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam để đảm bảo việc nuôi con nuôi quốc tế được thực hiện. Cho đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nuôi con nuôi cơ bản đã đầy đủ. Tuy nhiên, qua thống kê số liệu giải quyết nuôi con nuôi trên toàn quốc cho thấy, kết quả triển khai công tác nuôi con nuôi nước ngoài còn rất hạn chế về số lượng và chưa đồng đều, đặc biệt chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng để bảo đảm việc thực thi Công ước La Hay có hiệu quả, cần tăng cường năng lực thực thi Công ước La Hay và Luật Nuôi con nuôi thông qua việc tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở cả cấp trung ương và địa phương; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm tâm lý, xã hội cho cán bộ, công chức làm công tác nuôi con nuôi quốc tế; tăng cường công tác truyền thông; tăng cường hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi…
Qua thống kê, việc thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 đã góp phần giúp nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, góp phần giúp nhiều người, đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn được hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ.