Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng

Sáng 16/12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024 toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, nổi bật đã chủ động tham mưu thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế nhằm cụ thể hóa 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; tổ chức thực hiện đồng bộ các mặt của công tác tổ chức xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua 79 Đề án, nhiệm vụ; tham mưu ban hành 72 Văn bản góp phần hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tích cực tham mưu công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV đảm bảo đồng bộ, toàn diện cả nội dung, nhân sự và công tác tổ chức, phục vụ đại hội.

Tham luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ thực tế những kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng tại địa phương, bộ, ngành. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý thức tự giác rèn luyện phẩm chất, đạo đức, gương mẫu, khách quan, công tâm, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả của ngành tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại cần có giải pháp khắc phục như: công tác tuyển chọn, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá, quản lý cán bộ còn gặp nhiều khó khăn; công tác phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng chưa đồng đều; bố trí chiến lược cán bộ cũng chưa được chú trọng; sinh hoạt Đảng nhiều nơi còn hình thức, tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn thấp; việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ tuy có chuyển biến bước đầu nhưng hiệu quả cũng chưa cao; tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, vụ lợi trong công tác cán bộ vẫn còn xảy ra một số nơi, một số cán bộ lãnh đạo; cải cách thủ tục hành chính trong đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, các đồng chí đứng đầu cấp ủy và hệ thống tổ chức cán bộ của Trung ương luôn phải có 3 câu hỏi, đồng thời phải có câu trả lời hợp lý. Đó là phải làm sao có được bộ máy hoạt động của Đảng, hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực? Làm sao phải có đội ngũ cán bộ có giác ngộ, có tâm huyết vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng? Tại sao Đảng ta phải chọn khâu cán bộ là then chốt?

Tổng Bí thư lưu ý, phải làm tốt công tác tham mưu, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Quá trình tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức, do vậy, cần phải được tiến hành khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản, Ban Tổ chức Trung ương nói riêng, ngành tổ chức xây dựng Đảng nói chung phải phát huy cao độ, vai trò tham mưu để triển khai nhiệm vụ này.

Tổng Bí thư yêu cầu, phải tham mưu tinh gọn bộ máy tổ chức để các cơ quan Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, là Bộ Tổng tham mưu, là đội tiên phong, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng các cơ quan tham mưu, cấp ủy thực sự tinh gọn. Yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội kịp thời tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đảm bảo việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-to-chuc-xay-dung-dang-288726.htm