Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024
Sáng 16/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và đồng chí Tô Văn Từ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bí thư và Trưởng Ban Tổ chức các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc.
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều việc đột xuất, phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt hệ trọng của Đảng, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp đánh giá cao. Nổi bật là: Đã chủ động tham mưu thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, nhằm cụ thể hóa 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; tổ chức thực hiện đồng bộ các mặt của công tác tổ chức xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua 79 đề án, nhiệm vụ, tham mưu ban hành 72 văn bản góp phần hoàn thiện các quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Tích cực tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng bảo đảm đồng bộ, toàn diện cả nội dung, nhân sự và công tác tổ chức, phục vụ đại hội. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Đến cuối tháng 11, cả nước đã có trên 18.016/245.469 chi bộ tổ chức đại hội thành công. Tham mưu thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều chủ trương, nguyên tắc, giải pháp về công tác cán bộ bằng các quy định, quy chế, quy trình bảo đảm đồng bộ, dân chủ, minh bạch và chặt chẽ hơn. Chất lượng quy hoạch cán bộ được nâng lên; công tác luân chuyển cán bộ có nhiều đổi mới; chú trọng hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, sát với yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, cả nước có 41 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 29 đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và 629 đồng chí Bí thư Huyện ủy không là người địa phương.
Chính sách cán bộ được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các địa phương, đơn vị đã thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với 1.008 cán bộ. Công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiều đổi mới; kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút theo phương châm “có vào, có ra”; “có lên, có xuống”. Công tác quản lý cán bộ ngày càng nền nếp, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, kiểm soát quyền lực. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ chế độ, bảo đảm an ninh chính trị. Kịp thời tham mưu kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị với quy trình, cách làm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy định, đúng người, đúng việc, khẳng định rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, sự kiên định, đoàn kết, sáng suốt, trí tuệ, thống nhất rất cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
Tham mưu tổ chức triển khai quyết liệt, tích cực, toàn diện, có hiệu quả các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó, kịp thời tham mưu tổng kết sớm Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần khẩn trương, quyết liệt cao nhất, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương. Rà soát bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả tích cực. Công tác phát triển đảng viên mới đạt kết quả tích cực; tỷ lệ phát triển đảng viên mới hằng năm của cả nước cơ bản đạt 3% tổng số đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Tổ chức xây dựng Đảng vững vàng về tư tưởng chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Tích cực đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối, tác phong làm việc; phối hợp, tham mưu triển khai nhiệm vụ đạt kết quả tích cực, chất lượng, hiệu quả.
Đóng góp vào thành tích chung của ngành Tổ chức xây dựng Đảng cả nước có ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Ninh Bình với nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận số 21; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác kết nạp đảng viên…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được trong năm 2024, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhấn mạnh bối cảnh, tình hình và những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị ngành phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực, quyết tâm cao hoàn thành 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là then chốt của then chốt, xây dựng nguồn nhân lực là đột phá chiến lược, vì vậy ngành cần thực hiện tốt vai trò tham mưu chiến lược trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phải có tinh thần giác ngộ, tâm huyết, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp chung.
Ngành phải tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với công tác chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong đó cần tập trung chuẩn bị văn kiện, nhân sự cấp ủy khóa mới đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Về tổ chức bộ máy, biên chế và vị trí việc làm, Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường niềm tin của đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trân trọng cảm ơn, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để cụ thể hóa vào nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, toàn Ngành sẽ tập trung khắc phục những hạn chế và tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, góp phần cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.