Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020

Sáng nay 24.12.2019, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình;

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị. Ảnh: K.K.S

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị. Ảnh: K.K.S

Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành tư pháp tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm “Kỉ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 18 dự án luật và nhiều nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác.

Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giảm 108 văn bản so với năm 2018; các địa phương ban hành 3.556 văn bản cấp tỉnh (tăng 6,3%), 1.074 văn bản cấp huyện (giảm gần 34%) và 3.524 văn bản cấp xã (giảm 57%). Số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm mạnh so với những năm trước, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VPQPPL. Chất lượng VBQPPL do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành được đảm bảo hơn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp là công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính. Theo đó, về việc, các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lí 972.376 việc (tăng 4,99% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là 737.061 việc, đã thi hành xong 579.256 việc (tăng 1,42% so với năm 2018), đạt tỉ lệ 78,59%. Về tiền, tổng số thụ lí hơn 273.748 tỉ đồng (tăng 39,81% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 148.791 tỉ đồng, đã thi hành xong hơn 52.715 tỉ đồng (tăng 52,77% so với năm 2018), đạt tỉ lệ 35,43%.

Các công tác tư pháp khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi, lí lịch tư pháp; bổ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lí; hỗ trợ pháp lí cho doanh nghiệp; hòa giải ở cơ sở… tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, đóng góp tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn.

Năm 2020, ngành tư pháp xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao hiệu quả tham mưu của Bộ Tư pháp để giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn liền tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường quản lí nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lí lịch tư pháp; nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, chú trọng xây dựng các phòng công chứng, trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, ghi nhận những kết quả toàn ngành Tư pháp đạt được thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành Tư pháp như: Tình trạng nợ đọng văn bản; hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn nhiều. Vì thế, thời gian đến Bộ Tư pháp cần tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lí, khả thi của hệ thống pháp luật trong vấn đề pháp lí quốc tế.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, tiến tới giảm bớt sự cồng kềnh của hệ thống pháp luật. Nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

Đối với các lĩnh vực quản lí nhà nước của Bộ Tư pháp, cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng, đào đạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp.

K.K.S

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=144858