Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024
Chiều 15.8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT; các huyện, thành phố; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang.
Tính đến tháng 8.2023, toàn tỉnh có 817 cơ sở giáo dục với trên 265.830 học sinh, giảm 5 cơ sở so với năm học trước. Trong năm học đã thành lập mới 1 trường trọng điểm về chất lượng, 4 trường PTDTNT THCS&THPT và thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang; sáp nhập 3 trường học. Toàn ngành có trên 18 nghìn cán bộ quản lý, công chức, giáo viên, giảng viên, nhân viên trong biên chế; trong đó, số người có trình độ đạt chuẩn trở lên đạt 87,12%. Tính theo biên chế được giao, toàn tỉnh còn thiếu 884 cán bộ, giáo viên. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 64,1%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,96%; tỷ lệ huy động học sinh 6 -14 tuổi đến trường đạt 99,16%; tỷ lệ huy động và tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và tương đương đạt 66,75%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hằng ngày trung bình các cấp học đạt trên 98%. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ; chất lượng giáo dục được nâng lên; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%; học sinh tiểu học hoàn thành chương trình môn học, chương trình rèn luyện đạt 97,47%; tỷ lệ học sinh đạt kết quả học tập khá, giỏi cấp phổ thông đạt 43,52%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 94,81%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 51,06%.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung các nội dung: Đổi mới công tác giảng dạy; bổ sung giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật để thực hiện chương trình GDPT 2018; nâng cao chất lượng các môn học, chất lượng thi đầu vào các cấp học, thi học sinh giỏi các cấp; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý biểu dương những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua; đồng thời nhấn mạnh: Chất lượng giáo dục của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương. Trong năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục cần thẳng thắn phân tích, đánh giá đúng các nguyên nhân hạn chế, để đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, không chạy theo thành tích; trong đó cần đánh giá đúng chất lượng thi giáo viên dạy giỏi các cấp; chất lượng điểm thi của học sinh; chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia; tình hình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các trường học; việc thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh; trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong đánh giá chất lượng học sinh. Bên cạnh đó, cần định hướng cho học sinh học tập các môn học để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT; xây dựng phong trào học tập trong cộng đồng để khuyến khích, động viên các em tích cực, chăm chỉ học tập; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho năm học mới; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa hình thức dạy và học. Các cấp, ngành cùng phối hợp với ngành Giáo dục tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.