Hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo các văn bản của Ban Tổ chức Trung ương

Ngày 19-9, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến để tiếp thu ý kiến đóng góp vào các dự thảo Tờ trình, Quy định và Hướng dẫn: 1- Dự thảo Hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 2- Dự thảo Tờ trình, Quy định của Ban Bí thư về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với chuyên gia các cấp, chuyên gia; trợ lý, thư ký các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí bí thư, phó bí thư và trưởng ban tổ chức, lãnh đạo các cơ quan có liên quan và cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; các đồng chí Lãnh đạo Ban, đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Buổi sáng, các đại biểu tham dự ở 32 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương từ Đà Nẵng trở vào, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì. Buổi chiều, các đại biểu tham dự ở 31 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy từ Thừa Thiên Huế trở ra, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị sáng 19-9.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị sáng 19-9.

Các đồng chí Lãnh đạo Ban gợi ý và đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn, gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề, tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Về nội dung thứ nhất, dự thảo Hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW như vậy đã chặt chẽ, sát với yêu cầu Chỉ thị của Bộ Chính trị chưa? Cần phải bổ sung, điều chỉnh thêm những nội dung gì? Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ hoặc sáng kiến, kinh nghiệm, cách thức tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đạt hiệu quả tốt nhất ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình phát biểu kết luận Hội nghị sáng 19-9.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình phát biểu kết luận Hội nghị sáng 19-9.

Nội dung thứ hai, trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, sau khi tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo, đề án và dự thảo Quy định, còn có mốt số nội dung có ý kiến khác nhau. Tại Hội nghị, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu thảo luận cho ý kiến một số nội dung sau:

Lắng nghe ý kiến từ các điểm cầu phía Nam.

Lắng nghe ý kiến từ các điểm cầu phía Nam.

Chuyên gia cao cấp có ở các cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương hay còn có ở những cơ quan, đơn vị nào? Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định có ở các cơ quan Trung ương của Đảng, ở bộ, ngành và tương đương là thành viên của Chính phủ và một số cơ quan ngang bộ của Quốc hội. Một số đại biểu có ý kiến chọn phương án 1: Giữ nguyên như trong dự thảo Quy định, trong khi nhiều ý kiến chọn phương án 2: Chuyên gia cao cấp chỉ có ở các cơ quan Trung ương của Đảng, ở bộ, ngành và tương đương là thành viên của Chính phủ và một số cơ quan ngang bộ ở Quốc hội.

Về tuổi bổ nhiệm, tuổi công tác, dự thảo Quy định: Đối với tuổi bổ nhiệm chuyên gia cao cấp, trợ lý lần đầu phải còn trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Những người được bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp hoặc trợ lý thì được kéo dài thời gian công tác tối đa là 5 năm (đối với cả nam và nữ). Trong thời gian kéo dài tuổi công tác nếu có nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý, chuyên gia cao cấp, trợ lý được nghỉ sớm theo quy định. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để tránh bỏ sót những người có tài, năng lực, trình độ còn sức khỏe thì không nên quy định tuổi bổ nhiệm đối với chuyên gia cao cấp. Về tuổi công tác, một số ý kiến đề xuất kéo dài đối với chức danh trợ lý đến 63 tuổi như hiện nay hoặc theo yêu cầu của người sử dụng, trong khi đa số đại biểu thống nhất nên quy định tuổi công tác của các chuyên gia, chứ không theo yêu cầu của người sử dụng. Nên có quy định thống nhất phó bí thư, phó ban đảng, thứ trưởng và tương đương đều có thư ký. Nhiều ý kiến cho rằng các tỉnh nên thành lập hội đồng tư vấn, hội đồng cố vấn để phát huy được chất xám, trí tuệ của các chuyên gia…

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị buổi chiều 19-9.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị buổi chiều 19-9.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Hướng dẫn Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, có tất cả 40 ý kiến từ 63 điểm cầu trong các buổi sáng và chiều 19-9. Các ý kiến cơ bản đồng tình, thống nhất với dự thảo Hướng dẫn và cho rằng dự thảo đã bám sát những và các yêu cầu, nội dung nêu tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan; có kế thừa những nội dung còn phù hợp của nhiệm kỳ trước và kịp thời cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết, quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội như: Xây dựng báo cáo chính trị, đề án nhân sự; việc cụ thể hóa cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, quy trình nhân sự; công tác thẩm tra, thẩm định nhân sự…; bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, dễ làm, dễ thực hiện; tạo sự chủ động cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Lắng nghe ý kiến từ các điểm cầu phía Bắc.

Lắng nghe ý kiến từ các điểm cầu phía Bắc.

Nhiều ý kiến đề cập đến tiêu chuẩn cán bộ, đề nghị Trung ương nên nghiên cứu tổng kết Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan về công tác quy hoạch cán bộ làm cơ sở để xem xét việc quy định về tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên (cụ thể như quy định dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị tập trung), đồng thời quan tâm đến các đồng chí tuy không được đào tạo cơ bản nhưng có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Cụ thể rõ như thế nào là người có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm? Sửa đổi quy định những người được dự kiến giới thiệu chức danh chủ chốt cấp trên phải kinh qua chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Phải quy định về mặt nguyên tắc, định thời gian phân công cán bộ sau đại hội…

Các đại biểu cũng góp ý về bố cục dự thảo để bảo đảm lô-gic, cần tiếp tục chỉnh sửa từ ngữ để câu chữ cho thật rõ, tránh hiểu theo nghĩa khác.

Kết luận các hội nghị, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đều đánh giá cao những ý kiến phát biểu. Hội nghị là cơ hội để các đại biểu vừa tham gia ý kiến, vừa học hỏi lẫn nhau, vừa là cuộc tập huấn để mỗi người có thêm thông tin trong quá trình làm việc tác nghiệp tốt hơn. Trên cơ sở đó Trung ương có những quy định, quy chế sát với thực tế, có hiệu quả. Đồng thời, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cho rằng những việc đã chín, đã rõ, được đồng thuận thì nên làm và đã làm là phải đúng và phải có hiệu quả. Thực tế cho thấy, không có văn bản nào phủ hết góc cạnh cuộc sống nhưng cần bao phủ những nội dung cơ bản nhất. Tăng cường kiểm tra, giám sát. Các tỉnh cần chủ động trên tinh thần không trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Lãnh đạo Ban yêu cầu các đồng chí trong Tổ Biên tập, lãnh đạo, chuyên viên các cục, vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương cẩn trọng, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị để tham mưu giúp Lãnh đạo Ban hoàn chỉnh và chuẩn bị các dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thu Huyền

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/thoisu/2019/13173/hoi-nghi-truc-tuyen-gop-y-vao-du-thao-cac-van-ban.aspx