Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Ngày 19/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) PCTNTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ trì tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTNTC; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng BCĐ PCTNTC tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên BCĐ PCTNTC tỉnh; lãnh đạo các cơ quan thuộc Khối Nội chính.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thành lập BCĐ PCTNTC cấp tỉnh, 63/63 BCĐ các tỉnh, thành phố nhanh chóng được thành lập. Sau khi được thành lập, các BCĐ đã xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để thống nhất triển khai hoạt động.
Sau 1 năm hoạt động, các BCĐ đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các kết luận của BCĐ Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ Trung ương được thực hiện nghiên túc, kịp thời và hiệu quả.
Các BCĐ đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết KNTC, qua đó, đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tập trung kiểm tra các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo yêu cầu của BCĐ Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương.
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. BCĐ các tỉnh, thành phố đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết.
Đồng thời, vừa chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc; vừa chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh; quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC…
Sau 1 năm hoạt động của BCĐ đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét trong công tác PCTNTC ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.
Bên cạnh đó, việc phối hợp cung cấp thông tin, công khai kết quả xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm cũng như tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được các địa phương quan tâm; vừa định hướng dư luận, tạo điều kiện để báo chí, nhân dân tham gia giám sát, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu.
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong công tác PCTNTC. Kết quả bước đầu đạt được trong 1 năm qua đã khẳng định chủ trương thành lập BCĐ PCTNTC cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các tỉnh, thành phố cần quán triệt nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, ý nghĩa, vai trò chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ PCTNTC cấp tỉnh.
BCĐ PCTNTC cấp tỉnh phải có chương trình, kế hoạch, quy chế làm việc chặt chẽ, khoa học, có sự phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Tiếp tục lãnh đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, tính tiên phong gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên.
Chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo quản lý các cấp.
Tiếp tục chỉ đạo, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, lợi ích nhóm.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Từng thành viên BCĐ, cấp ủy tổ chức Đảng cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư về tham nhũng, tiêu cực cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho TNTC.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm.
Tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Chống tham nhũng trước hết là phải giải quyết cho được những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Cùng với đó, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại biểu dân cử, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, của cơ quan báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của BCĐ, Cơ quan Thường trực BCĐ và các cơ quan chức năng làm công tác PCTNTC.