Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW

Sáng 19-12, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.

Các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó trưởng ban chỉ đạo, chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thanh Hóa, tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cụ thể, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên trên tinh thần xác định rõ hơn công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với văn bản có giá trị pháp lý cao. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong quản lý cũng như các hoạt động chuyên môn.

Tính đến hết năm 2016, cả nước có 1.552 báo cáo viên pháp luật Trung ương, 7.165 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 19.546 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 168.015 tuyên truyền viên cấp xã; đến năm 2018, cả nước có 107.074 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 650.366 hòa giải viên, vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ 80,6%. Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn; hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền đem lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương đã tổ chức 211.663 cuộc thi, với 193.008.539 lượt người tham dự. Đặc biệt, cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có 4.855.057 bài dự thi; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, 2017 đã thu hút 269.611 học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đăng ký tham gia....Qua đó, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tính đến cuối năm 2018 đã có 8.805 xã/11.147 đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỉ lệ 79%.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nhấn mạnh: Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX), nhận thức về công tác về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu ngày càng được nâng lên; BPGDPL đã trở thành nội dung trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thể chế chính sách về BPGDPL cơ bản được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc, giúp cho công tác BPGDPL được triển khai đồng bộ, xuyên suốt trong phạm vi cả nước. Nội dung, hình thức BPGDPL được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn; việc triển khai công tác BPGDPL gắn với việc tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, đưa công tác BPGDPL dần đi vào cuộc sống... Những kết quả đó đã góp phần nâng cao một cách đáng kể về sự hiểu biết pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, từng bước nâng cao ý thức thực thi pháp luật trong nhân dân. Đó là cả sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện Chỉ số 32-CT/TW. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương và chúc mừng kết quả tích cực của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương đạt được trong công tác BPGDPL thời gian qua.

Đồng chí đề nghị thời gian tới, các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương tiếp tục quán triệt, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác BPGDPL trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời của cấp ủy, tổ chức đảng, sự tích cực chủ động triển khai, thực hiện BPGDPL của các bộ, ngành, địa phương; sự phối hợp hỗ trợ tham gia trên tinh thần cao nhất của các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực tích cực chủ động tìm hiểu pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế đáp ứng công tác BPGDPL theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BPGDPL. Xác định đổi mới công tác BPGDPL ở nước ta hiện nay là yêu cầu mang tính khách quan trước bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và tích cực chủ động hội nhập quốc tế nhằm xây dựng một xã hội đề cao giá trị của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tinh thần dân chủ và pháp quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để sống và làm theo hiến pháp và pháp luật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, BPGDPL. Đẩy mạnh đổi mới tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhà trường, trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện công tác BPGDPL, trọng tâm là thực hiện rà soát củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ được giao làm đầu mối tham mưu triển khai thực hiện công tác BPGDPL liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan đơn vị theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn. Bố trí kinh phí, chế độ, chính sách hợp lý để triển khai công tác BPGDPL, bảo đảm cân đối giữa các vùng, miền, đối tượng, địa bàn, ưu tiên vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy đầy đủ vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia giám sát, phản biện chủ trương, chính sách, pháp luật và quá trình tổ chức thực hiện pháp luật; phối kết hợp và triển khai công tác PBGDPL với hoạt đông hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án để găn kết chặt chẽ hơn nữa công tác PBGDPL với hoạt động thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền phát biểu tại hội nghị.

Sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền đã phát biểu giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp, trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch PBGDPL trong năm 2020 và những năm tiếp theo; đề nghị các ngành phối hợp với ngành tư pháp làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL; xây dựng kế hoạch triển khai PBPGPL phù hợp với ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Tô Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-15-nam-thuc-hien-chi-thi-so-32-ct-tw/111894.htm