Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020
Ngày 24-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, tham dự hội nghị có đồng chí Mai Xuân Liêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát phương châm của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong công tác chỉ đạo, điều hành; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 để tổ chức triển khai đầy đủ tất cả các chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các sở tư pháp đã chủ động, kịp thời ban hành, tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa các nhiệm vụ triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ đột xuất được giao thêm. Việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW; Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thị hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.
Đối với các lĩnh vực công tác khác của ngành, đáng chú ý phải kể đến công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong năm 2019, công tác này tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Bộ Tư pháp đã thẩm định 25 đề nghị, các Sở Tư pháp thẩm định 354 đề nghị xây dựng VBQPPL. Toàn ngành đã thẩm định 6.606 dự thảo VBQPPL.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Bộ Tư pháp và các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…
Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp (ở cấp tỉnh) và trong lĩnh vực tư pháp (ở cấp xã) đạt mức cao (đạt 83,08% ở cấp tỉnh và 84,04% ở cấp xã).
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2020, Bộ Tư pháp xác định rõ 10 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Trong đó, nổi bật: Tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự; tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc kinh tế, tham nhũng. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật với các đối tác quốc tế trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà ngành tư pháp đã đạt được trong năm 2019, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ, khắc phục.
Đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ, ngành tư pháp cần tập trung làm tốt hơn nữa vai trò của mình để thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng bằng những quy định pháp luật cụ thể, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần bảo đảm hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; kiên quyết đấu tranh, phòng chống các tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác thi hành án. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, từng bước xã hội hóa đối với một số hoạt động bổ trợ tư pháp, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị.
Sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã đề nghị Sở Tư pháp tiếp thu các ý kiến, kết luận tại hội nghị để xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình công tác năm 2020, trong đó, lưu ý một số nội dung như: Quan tâm thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định văn bản; tham mưu cho UBND tỉnh về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; phối hợp với ngành công an thực hiện tốt công tác quản lý hộ tịch, quốc tịch.