Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách
Ngày 24/11, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực". Cùng dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ… Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hưng Yên
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác truyền thông chính sách thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực như: chủ động, tích cực tham gia quán triệt, phổ biến hiệu quả, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện. Công tác truyền thông chính sách được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương; được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường giám sát và nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Công tác truyền thông chính sách đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, qua đó góp phần công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Thông qua truyền thông chính sách đã tạo được sự đồng thuận xã hội, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Công tác truyền thông chính sách ngày càng khoa học, theo hướng đi trước một bước, tạo nhận thức và đồng thuận xã hội, bảo đảm tương tác hai chiều trên cơ sở nắm bắt quy luật, nhu cầu, thói quen, tâm lý của các đối tượng chịu tác động bởi chính sách… Tuy nhiên, công tác truyền thông chính sách còn những tồn tại, hạn chế như: một số bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng, đầu tư đúng mức cho công tác truyền thông chính sách; nội dung và hình thức truyền thông còn đơn giản, chủ yếu một chiều, thậm chí có lúc, có nơi còn mang tính áp đặt, thiếu sáng tạo, thụ động nên làm giảm hiệu quả công tác truyền thông… Hội nghị đã dành thời gian thảo luận về các vấn đề như: truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển; truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ; bố trí kinh phí cho tổ chức hoạt động của truyền thông chính sách; thực trạng, giải pháp về công tác truyền thông chính sách trong một số lĩnh vực; vai trò, sứ mệnh của báo chí trong truyền thông chính sách...Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ. Truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân. Cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận với công tác truyền thông chính sách. Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải chú ý lắng nghe xem chính sách đã đúng, trúng chưa, đã đạt kết quả tốt chưa; tìm hiểu nguyên nhân chủ quan, khách quan ảnh hưởng tới kết quả thực hiện và nghiên cứu tìm giải pháp, đề ra nhiệm vụ cụ thể để giải quyết, thực hiện chính sách. Cần truyền thông trước, trong và cả sau khi chính sách được ban hành. Các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, hành động đúng, trúng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực…Phát biểu tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị xác định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể trong công tác truyền thông chính sách. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị là đầu mối còn các cơ quan truyền thông làm nhiệm vụ truyền tải chính sách đến người dân và phản hồi ý kiến người dân đối với chính sách. Để công tác truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương; quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở; cơ quan báo chí của tỉnh phát huy hiệu quả vai trò truyền thông chính sách…
Mai Nhung