Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP

BHG - Sáng 18.5, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Ngân hàng Nhà nước, NHCSXH Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội T.Ư. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cùng đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cùng đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang.

Ngày 30.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo Nghị quyết, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm: Cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn cho vay tối đa 10.000 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa 15.000 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng; cho vay Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng…

Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển KT-XH đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.

Đối với tỉnh Hà Giang, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã chủ động rà soát nhu cầu vay vốn, hướng dẫn lập hồ sơ để triển khai cho vay. Hiện nay, tỉnh đang triển khai 3 chương trình, gồm: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã thực hiện giải ngân 20.026 triệu đồng/339 món vay (hoàn thành 50% kế hoạch). Chương trình cho vay nhà ở xã hội, theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đã thực hiện giải ngân 250 triệu đồng/1 món vay. Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, thực hiện giải ngân 370 triệu đồng/37 món vay (hoàn thành 20% kế hoạch giao).

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, điều hòa nguồn vốn phù hợp giữa các địa phương, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và thụ hưởng chính sách một cách công khai, minh bạch. Các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp cùng với NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng để Nghị quyết của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy phục hồi KT-XH nhanh và bền vững…

Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202205/hoi-nghi-truc-tuyen-trien-khai-cac-chinh-sach-tin-dung-thuc-hien-nghi-quyet-so-11nq-cp-53f5e54/