HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chiều 06/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức Hội nghị 'Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững' theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị, phía Việt Nam có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc các các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan.

Về phía khách mời có Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen. Ngoài ra, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong; Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana cùng các chuyên gia, diễn ra và cán bộ của UNDP, IPU…tham gia trực tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Chương trình Nghị sự 2030 bao trùm mọi lĩnh vực, như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia; bên cạnh đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt làm gia tăng thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đối với Việt Nam, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Quốc hội đã xem xét, phê duyệt phân bổ ngân sách đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn trong đó lồng ghép thực hiện yêu cầu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Quốc hội tăng cường giám sát thực hiện pháp luật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Vai trò của Quốc hội còn được thể hiện qua việc đại diện cho người dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, tuyên truyền thông tin để người dân nâng cao hiểu biết về các lợi ích của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, qua đó huy động nguồn lực xã hội và sự tham gia của người dân, giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị lần này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận đánh giá cập nhật tổng quan tình hình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, trong đó nhận diện những thuận lợi, thách thức đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trao đổi các giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội về chức năng lập pháp, giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu này vào hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; huy động nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực ngoài nước, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đại biểu dân cử, các tổ chức trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong khẳng định các Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đảm bảo công tác giám sát, thúc đẩy sự hành động mạnh của các Chính phủ.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong

Theo Tổng Thư ký IPU, Nghị viện các nước ở vị thế để đưa ra khuôn khổ chính sách, pháp luật, thông qua ngân sách bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, đòi hỏi quyết tâm chính trị của các nước trong bảo đảm thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó hợp tác là một trong những yếu tố quan trọng. Tổng Thư ký IPU cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, là gánh nặng nhất là với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, do đó, đòi hỏi hoàn thiện chính sách, pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu trong nước và cam kết quốc tế, kết nối với các mục tiêu SDGs bền vững công bằng cho các đối tượng nhất là các nhóm đối tượng đặc biệt, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình đó, vai trò của các nghị sỹ/đại biểu Quốc hội góp phần bảo đảm ưu tiên đúng đắn, gắn kết với các cam kết SDGs cũng như có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện các mục tiêu cụ thể.

Tổng Thư ký IPU cũng cho rằng Hội nghị lần này thực sự là cơ hội vàng để tiếp tục thảo luận nhằm phát huy vai trò của Quốc hội/Nghị viện trong thực hiện các mục tiêu SDGs ở cấp quốc gia; trao đổi kinh nghiệm trong việc lồng ghép các mục tiêu SDGs với các hoạt động của Quốc hội nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật, phân bổ ngân sách…qua đó mở ra con đường thúc đẩy thực hiện mục tiêu chung.

Cùng quan điểm, nhấn mạnh vai trò của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs nhất là trong xây dựng chính sách pháp luật, bảo đảm ngân sách thực hiện từ trung ương đến địa phương, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho rằng, sự tham gia của các đại biểu Quốc hội sẽ thúc đẩy hiệu quả, xây dựng cơ chế cởi mở, minh bạch, tăng cường ở các cấp. Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cũng cho hay các mục tiêu SDGs là mục tiêu tham vọng nhất mà con người đặt ra về xây dựng xã hội hòa bình, chấm dứt đói nghèo, thúc đẩy thịnh vượng…Tuy nhiên, SDGs khó có thể đạt được nếu thiếu quyết tâm.

Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen

Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen

Ghi nhận các kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua trong thực hiện mục tiêu SDGs, năm 2021, xếp hạng của Việt Nam đã được cải thiện, xếp thứ 51 thế giới trong đó có nhiều mục tiêu đạt kết quả nổi bật, tích cực. Bên cạnh đó, vẫn còn một số mục tiêu còn chậm đòi hỏi nỗ lực hơn nữa ở cấp quốc gia nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức do bất ổn về địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng… việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch COVID-19 cần bảo đảm bền vững, bao trùm, gắn với các mục tiêu SDGs, trong đó quan tâm đến huy động mạnh mẽ các nguôn lực tài chính, sự tham gia của nhiều bên, cải cách mô hình quản trị…

Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tiến hành hai phiên thảo luận với chủ đề tổng quan về các mục tiêu SGDs, vai trò của Nghị viện và hoạt động của Nghị viện thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị về “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” là hoạt động đầu tiên của Quốc hội khóa XV về phát triển bền vững. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của các đại biểu Quốc hội trong việc thúc đẩy Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63477