Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng
Chiều 5/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trục tuyến công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Năm 2023, cả nước có 60/60 tỉnh, Thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng, với tổng diện tích rừng cả nước đạt 14.860.309 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên đạt 10.129.751 ha; diện tích rừng trồng đạt 4.730.557 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chỉ tính tỷ lệ che phủ rừng 13.927.122 ha (2.198.773 ha rừng đặc dụng, 4.618.453 ha rừng phòng hộ, 7.109.896 ha rừng sản xuất). Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.
Công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chủ trương, chính sách đối với công tác PCCCR tiếp tục được củng cố, tăng cường. Nhìn chung số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây nguyên, Đông Nam Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà.... của người dân. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là diện tích rừng chưa được Nhà nước giao, cho thuê đang do UBND cấp xã quản lý, một số diện tích do các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Năm 2023, các cơ quan chức năng phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ 2022, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8 ha. Cả nước xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5 ha, trong đó, diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 487,5 ha (do cháy lướt, cháy thực bì, không ảnh hưởng đến rừng), diện tích rừng khó có khả năng tự phục hồi khoảng 187 ha.
4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng phát hiện 650 vụ phả rùng, diện tích bị tác động 182,2 ha giảm 75,7 ha so với cùng kỳ năm 2023. Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng, ước tính sơ bộ khoảng 498 ha chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Để triển khai hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng. Xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó, có nội dung quy định hỗ trợ cho lực lượng chữa cháy rừng. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trong dự án đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.
Xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, nhằm bổ sung thiết bị bay không người lái vào danh mục cần thiết được phép sử dụng đối với cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp và đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ; phân quyền cấp phép bay ở 3 cấp Cục Tác chiến, cấp Quân khu, cấp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian 1 lần cấp phép bay đối với các khu vực cố định (khu vực truyền thống) tối đa đến 360 ngày.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục rà soát lại diện tích rừng phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách về bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ và PCCCR; chủ động kế hoạch, phương án PCCCR trong những tháng cao điểm khô hanh; quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số sống gần rừng. Chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia làm tốt công tác dự báo tình hình thời tiết có thể ảnh hưởng đến công tác PCCCR. Các địa phương cần rà soát điều chỉnh phương án PCCCR cho phù hợp với phương trâm 4 tại chỗ trong công tác PCCCR, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác PCCCR. Chủ động ứng dụng khoa học công nghẹ trong công tác quản lý bảo vệ và PCCCR.