Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão số 1
Sáng 2/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 1. Dự cuộc họp tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 6h30 ngày 2/7, các địa phương ven biển đã hướng dẫn 59.967 tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển đến khu vực an toàn. Đồng thời sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn tại các vị trí xung yếu. Dự báo từ ngày 2-3/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, đặc biệt có những nơi lượng mưa trên 200 mm.
Với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão có phương án kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, đảm bảo an toàn cho các diện tích nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du; Đã có giải pháp bảo đảm an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, đồng thời sẵn sàng phương án tiêu úng cho các diện tích lúa mới gieo cấy.
Tại tỉnh Ninh Bình, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, nhất là công trình trọng điểm ven biển, công trình thi công dang dở; đã thông tin kịp thời cho trên 320 thuyền viên/124 lượt phương tiện, trên 1500 lao động ở 250 lều, chòi từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi về diễn biến của bão để sẵn sàng di dời tới nơi tránh trú an toàn; đồng thời triển khai phương án chủ động tiêu úng phù hợp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến và sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão số 1. Trong đó, các địa phương ven biển phải tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền trên biển. Các địa phương miền núi triển khai ngay các biện pháp phòng chống mưa lớn có thể gây sạt lở đất.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh dự báo trong năm 2022 và những năm tới, diễn biến thiên tai sẽ ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy công tác dự báo phải chính xác. Đảm bảo không để bị động, bất ngờ nhưng cũng không gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân do triển khai công tác phòng chống vượt quá mức cần thiết.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai rà soát, điều chỉnh các phương án chỉ đạo ứng phó theo từng cấp độ thiên tai để triển khai thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng chống thiên tai.