Hội nghị trực tuyến về 'Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp'
ĐBP - Ngày 21/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến về 'Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp'. Các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Điện Biên.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm; hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình; công nghệ chế biến nông sản đạt mức độ trung bình của thế giới. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ. Chế biến NLTS tập trung một số ngành hàng chủ lực gồm: lúa gạo (cả nước có khoảng 580 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp); rau quả (cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau củ quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm); cà phê (cả nước có 239 doanh nghiệp chế biến cà phê quy mô công nghiệp).
Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29% và đến nay trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 2,4 mã lực/1ha canh tác. Cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí (95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng); gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành.
Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến NLTS Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”; phấn đấu là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành phải đẩy mạnh, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, đây được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế…