Hội nghị trực tuyến về thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực
Chiều 15-12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thành phố, Công ty Điện lực Tuyên Quang.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Quy hoạch điện VIII bao gồm danh mục các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kv trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Theo đó, công suất các nguồn năng lượng tái tạo của các địa phương đến năm 2030 với tổng công suất điện gió trên bờ là 21.880 MW; tổng công suất điện gió ngoài khơi 6.000 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) 2.600 MW; tổng công suất điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW; tổng công suất thủy điện 29.346 MW.
Tổng nhu cầu sử dụng đất cho nguồn và lưới điện truyền tải toàn quốc giai đoạn 2021-2030 khoảng 90,3 nghìn ha. Đối với điện gió ngoài khơi, tổng nhu cầu diện tích mặt biển giai đoạn 2021-2030 khoảng 111,6 nghìn ha.
Tại hội nghị, các địa phương cơ bản đồng tình với Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương xây dựng; mong muốn quy hoạch tiếp tục được điều chỉnh cân đối, hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh quá tải trong truyền tải điện, lãng phí nguồn lực xã hội, phù hợp với định hướng phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyên Quang là tỉnh miền núi có tiềm năng phát triển các dự án thủy điện do trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông, suối tương đối dày đặc, nguồn nước ổn định.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 dự án thủy điện đang vận hành phát điện, tổng công suất 490 MW, sản lượng điện hằng năm cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia đạt trên 1,8 tỷ kWh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét đưa Dự án Thủy điện cột nước thấp Phú Thọ ra khỏi Kế hoạch, Quy hoạch điện VIII do công trình ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đê điều, hệ thống cống, kênh mương thủy lợi, đường giao thông...), diện tích đất nông nghiệp, các công trình công cộng (trường học, nhà văn hóa,...), tài sản của người dân, các vấn đề xã hội, môi trường...
Dự án này cũng đã được tỉnh Phú Thọ xin rút khỏi quy hoạch. Tỉnh Tuyên Quang đề xuất thay thế dự án trên bằng thủy điện Sông Lô 9, công suất 75 MW thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, ngoài mục tiêu phát điện, dự án đi vào hoạt động còn góp phần tạo cảnh quan, thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố Tuyên Quang nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật trong xây dựng, triển khai Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII bảo đảm tính bao quát, tổng thể và khả thi, không để xảy ra thiếu điện trong những năm tiếp theo; xác định trách nhiệm của Trung ương, địa phương trong triển khai các dự án nguồn điện, hạ tầng truyền tải…
Bộ Công Thương rà soát danh mục các dự án nguồn điện, tính toán khả năng rủi ro để có phương án thay thế những dự án nguồn quan trọng, cấp bách chưa thể triển khai; đánh giá nguồn vốn đầu tư công, khu vực tư nhân; nghiên cứu giải pháp cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nguồn điện.