Hội nghị Trung ương 11: Quyết sách lớn với tầm nhìn trăm năm để ổn định, phát triển

'Tất cả cho thấy sự xuất hiện rõ nét của một tư duy phát triển có tính hệ thống, kiến tạo và dài hạn. Thể chế không còn được xem là công cụ kiểm soát đơn thuần, mà là nền tảng để khơi thông nguồn lực, kích hoạt sáng tạo và bảo đảm phát triển công bằng, bền vững' - TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân… là những gì mà Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Bộ Chính trị với nhiều nhân tố mới thúc đẩy từ tháng 8-2024 đến nay.

“Cần đặt Hội nghị Trung ương 11 trong sự vận động của những tháng qua để thấy chúng ta đã chủ động chuẩn bị nền tảng cho một chu kỳ phát triển mới của đất nước” - TS Nguyễn Sĩ Dũng trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM sau khi Hội nghị Trung ương 11 bế mạc vào chiều 12-4.

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: XĐ

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: XĐ

Tầm nhìn 100 năm với sự ổn định mới

. Phóng viên:Đặt các chuyển động chính trị trong nước trong bối cảnh lớn toàn cầu diễn ra gần đây thì có những gì đáng chú ý, thưa ông?

+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Từ thời điểm Ban Chấp hành (BCH) Trung ương họp bầu Chủ tịch nước Tô Lâm lúc đó làm Tổng Bí thư (ngày 3-8-2024), Trung ương đã họp sáu hội nghị, đầu tiên là để kiện toàn các chức danh chủ chốt, bầu bổ sung Bộ Chính trị và cùng với đó là công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV.

Nếu điểm lại thì thấy rõ, các ý tưởng cải cách lớn lao, mà thông điệp đầu tiên là kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đã được Tổng Bí thư Tô Lâm sớm đưa ra. Các yêu cầu về cải cách thể chế cũng được đặt lên bàn một cách toàn diện.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, phân mảnh chuỗi giá trị toàn cầu, cuộc đua công nghệ, cùng với áp lực của biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao năng lực tự cường và sức cạnh tranh quốc gia.

Trong nước, chúng ta đã nhận thức rõ rằng mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và đầu tư công dàn trải đang dần lạc hậu và không còn hiệu quả. Bộ máy hành chính phân tầng, cồng kềnh không thể thích ứng với các thách thức mới. Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế sâu rộng không chỉ là một lựa chọn, mà là một tất yếu lịch sử.

. Không chỉ dừng lại việc tinh gọn đầu mối các cơ quan Trung ương, giai đoạn hai của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với tâm điểm là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang tác động mạnh mẽ, nhiều chiều. Ông thấy thế nào?

+ Thẳng thắn mà nói thì tất cả chúng ta đều thấy rõ sự cồng kềnh, không hiệu quả của mô hình chính quyền địa phương ba cấp, đã vận hành thành lối mòn từ hồi chiến tranh tới giờ. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể trì hoãn việc cải cách, vốn đã được đặt ra từ 15 năm trước khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và được thảo luận nhiều hơn 10 năm trước khi làm Hiến pháp 2013.

Đến lúc này, Tổng Bí thư Tô Lâm với sự quyết liệt của mình đã cùng Bộ Chính trị chuẩn bị, trình để Hội nghị Trung ương 11 quyết định tái cấu trúc chính quyền địa phương theo hướng hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã.

Việc tinh gọn này nhằm giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu lực điều hành và tạo điều kiện cho phân quyền rõ ràng, triệt để, thực chất.

Cùng với đó, Trung ương cũng thống nhất việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 hiện tại còn 34, trong đó 28 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở nhập 2-3 tỉnh làm một.

Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm là cuộc sắp xếp này có tầm nhìn xa 100 năm. Vậy chúng ta hy vọng cuộc cách mạng về đơn vị hành chính lãnh thổ lần này sẽ mang lại sự ổn định mới, chấm dứt việc liên tục nhập rồi tách như 50 năm qua, kể từ khi thống nhất đất nước.

 TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: QH

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: QH

Chuyển sang mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”

. Với những diễn biến như vừa qua thì cả hệ thống chính trị đã được sắp xếp lại. Tòa án cũng như các cơ quan tố tụng cũng sẽ sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp ấy…

+ Đấy là tính cách mạng của cuộc cải cách lần này. Không chỉ khối tư pháp, các tổ chức chính trị – xã hội cũng được sắp xếp lại theo hướng đồng trục, đa năng và tích hợp cao vào MTTQ. Tổ chức Đảng cũng được cấu trúc lại để phù hợp với mô hình mới của hệ thống chính trị.

Những diễn biến ấy cho thấy đây không chỉ là cải cách về mặt hình thức tổ chức mà là thay đổi về triết lý vận hành nhà nước. Đó là từ mô hình tập quyền phân tán sang phân quyền linh hoạt theo nguyên tắc bổ trợ, nơi cấp nào làm được thì cấp đó được giao quyền.

Cải cách bộ máy như vậy vừa là bài toán giảm biên chế, vừa thiết kế lại chức năng – quyền hạn – trách nhiệm của từng cấp chính quyền sao cho hiệu lực và phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nền quản trị quốc gia.

Ít nhiều đến nay chúng ta có thể hình dung được nội hàm của quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

. Những nội dung nói trên mới là về tổ chức bộ máy nhưng để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới thì như vậy là không đủ?

+ Chúng ta đã thấy Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hôm 1-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì một cuộc họp để Bộ Chính trị, Ban Bí thư được cập nhật kiến thức về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo rốt ráo để có một nghị quyết mới về những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

Song song với đó, thông tin từ Hội nghị Trung ương 11 cho thấy các quan điểm, tư tưởng mới về phát triển đã được bổ sung vào dự thảo văn kiện. Dự thảo cũ đã được hoàn thiện ở Hội nghị Trung ương 10 hồi tháng 9 cùng với bản tóm tắt đã gửi về các chi bộ từ tháng 12 năm ngoái để góp ý, nay dường như đã được viết lại với tinh thần cải cách.

Tất cả cho thấy sự xuất hiện rõ nét của một tư duy phát triển có tính hệ thống, kiến tạo và dài hạn. Thể chế không còn được xem là công cụ kiểm soát đơn thuần, mà là nền tảng để khơi thông nguồn lực, kích hoạt sáng tạo và bảo đảm phát triển công bằng, bền vững.

Việc khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, đi kèm với yêu cầu quản lý nhà nước hiệu quả cũng thể hiện sự chuyển hóa từ mô hình “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển” – nơi Nhà nước không làm thay, không can thiệp sâu, mà định hướng, bảo vệ lợi ích công, và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: XĐ

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: XĐ

Gần dân, sát dân

. Trung ương 11 đã quyết định giảm 60-70% số lượng các đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước. Ông nhận định gì về tỉ lệ này?

+ Tại Hội nghị Trung ương 11, điểm đáng chú ý là Trung ương đã quyết định giảm 60-70% số lượng các đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước, chứ không cứng nhắc ở phương án giảm 50% như trước đó.

Công tác chuẩn bị những tuần qua cũng cho thấy việc nhập xã phải được các địa phương cân nhắc trên cơ sở đặc thù khu vực đô thị với nông thôn, đồng bằng với miền núi, đất liền với hải đảo.

Trong cùng một tỉnh, với yêu cầu chính quyền cơ sở phải gần dân, sát dân thì với khu vực miền núi, diện tích rộng, đi lại khó khăn, một xã diện tích đã bằng cả một tỉnh nhỏ dưới xuôi, vậy làm sao có thể nhập thêm để mở rộng. Ngược lại, rất nhiều phường ở TP dưới đồng bằng có thể nhập lại để thành một đô thị với không gian thống nhất, chặt chẽ, không bị chia cắt, cùng đời sống cư dân thành thị rất đặc thù.

Tổ chức chính quyền địa phương như vậy ở xã miền núi, hay ở đô thị thống nhất, không chia cắt như vậy hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu chính quyền địa phương hai cấp gần dân, sát dân.

. Xin cảm ơn ông!

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 chiều 12-4, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, TP trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, TP).

Kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện từ ngày 01-7-2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Đồng thời, thống nhất số lượng ĐVHC cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, TP. Sáp nhập ĐVHC cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng ĐVHC cấp xã so với hiện nay.

Trung ương cũng thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy TAND, VKSND; hệ thống tổ chức TAND, VKSND có 3 cấp là TAND và VKSND tối cao, cấp tỉnh, khu vực. Kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp cao và TAND, VKSND cấp huyện….

Ban Chấp hành Trung ương giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã.

Trong đó, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ lợi ích thiết thực của Nhân dân, tiết giảm chi phí...

NGHĨA NHÂN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-nghi-trung-uong-11-quyet-sach-lon-voi-tam-nhin-tram-nam-de-on-dinh-phat-trien-post844153.html